Multimedia Đọc Báo in

Hiệp ước Rome: Bước tiến trong hợp tác toàn cầu để phòng, chống COVID-19

08:25, 10/09/2021

Sau hai ngày họp (5 và 6-9), Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức tại Rome (Italy) đã thông qua Hiệp ước Rome, trong đó cam kết đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất là 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021.

Với thông điệp chính là “xây dựng trở lại tốt hơn” và tăng cường hợp tác, đoàn kết và bình đẳng để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 bao gồm 3 phiên họp. Phiên đầu tiên tập trung thảo luận tác động của đại dịch COVID-19 đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tình trạng khẩn cấp y tế kéo dài hiện đang đe dọa sự tiến bộ trong việc đạt được các SDG. Do đó, thế giới cần phải theo đuổi sự phục hồi có tính đến những bài học kinh nghiệm trong đại dịch COVID-19, điều chỉnh chúng cho phù hợp với bối cảnh SDG. Phiên thứ hai tập trung vào việc đưa ra hướng dẫn cụ thể cho những thay đổi này. Phiên thứ ba xem xét các công cụ cho phép cộng đồng quốc tế chống đại dịch COVID-19 một cách hiệu quả.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết, Hiệp ước Rome đã được tất cả các nước G20 nhất trí thông qua với cam kết trọng tâm củng cố hệ thống y tế, qua đó đảm bảo quyền bình đẳng của tất cả mọi người được điều trị bất kể giai cấp hay chủng tộc. Ông Speranza nêu rõ, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đưa vắc xin ngừa COVID-19 đến các quốc gia dễ tổn thương nhất.

Một số bộ trưởng y tế tham dự Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm G20 tại Rome, Italy. Ảnh: EPA-EFE

Theo các số liệu thống kê mới nhất, hơn 5 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên thế giới, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại châu Phi mới đạt 2%.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 trước hết cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ thống y tế vững chắc và hiệu quả thông qua củng cố cấu trúc y tế toàn cầu dựa trên tầm nhìn chung nhằm giải quyết các thách thức, trong đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữ vai trò dẫn đầu và điều phối trên lĩnh vực y tế quốc tế và hợp tác với các bên liên quan.

Tại hội nghị này, các bộ trưởng Y tế G20 đã xác định hành động tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: phục hồi lành mạnh và bền vững; xây dựng khả năng chống chịu "Một sức khỏe"; phản ứng có phối hợp và hợp tác; các loại vắc xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán có thể tiếp cận được thông qua hành động phối hợp hướng tới phản ứng toàn chính phủ và toàn xã hội, quản lý tốt các hệ thống y tế ở mọi quốc gia để tăng cường năng lực phòng ngừa, phát hiện, sẵn sàng và ứng phó, thông qua cách tiếp cận "khả năng chống đỡ mang tính chuyển đổi" về sức khỏe.

Diễn biến lây lan phức tạp của COVID-19 gần 2 năm qua được coi là một minh chứng nữa cho thấy chỉ có hợp tác đa phương mạnh mẽ, thế giới mới có thể chấm dứt đại dịch, hỗ trợ phục hồi, ngăn chặn, phát hiện và ứng phó tốt hơn với các rủi ro và tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Về việc đảm bảo sự phục hồi lành mạnh và bền vững, các nước G20 đã cam kết đẩy nhanh tiến bộ của SDG liên quan đến sức khỏe để đảm bảo rằng thế giới được chuẩn bị tốt hơn trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với những tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai, nâng cao sức khỏe cho tất cả mọi người, thúc đẩy việc thực hiện, giám sát và tuân thủ đầy đủ các Quy định Y tế quốc tế 2005 (IHR). Do sự phụ thuộc lẫn nhau của các SDG, hội nghị đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ đối với tất cả các SDG, vì con người, hành tinh, thịnh vượng, hòa bình và quan hệ đối tác.

Về việc xây dựng khả năng chống chịu "Một sức khỏe", các bộ trưởng G20 đã kêu gọi hợp tác hành động đa ngành để tăng cường việc giám sát, phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và phản ứng để nâng cao sức khỏe và phúc lợi cho tất cả mọi người, các hệ thống thực phẩm, nước sạch, vệ sinh và bảo vệ môi trường bền vững. Cách tiếp cận "Một sức khỏe", với cam kết chính trị đầu tư dài hạn, cho phép thế giới củng cố và hỗ trợ các hệ thống y tế, thực phẩm và bảo trợ xã hội bền vững và có sức chống đỡ, giải quyết các rủi ro bắt nguồn từ mối quan hệ giữa môi trường - động vật - con người.

Về phản ứng có phối hợp và hợp tác, các thành viên G20 cam kết mở rộng, đầu tư và chuyển đổi việc tuyển dụng, phát triển, giáo dục, đào tạo, phân phối, duy trì và cung cấp tài chính cho lực lượng y tế và chăm sóc sức khỏe. G20 sẽ hợp tác với WHO phát triển các cơ hội học tập "Một sức khỏe", cũng như các trung tâm đào tạo có liên quan khác, giải quyết những thiếu hụt do đại dịch COVID-19, tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường chuỗi cung ứng và lực lượng lao động y tế.

Về các loại vắc xin, phương pháp điều trị và chẩn đoán có thể tiếp cận được, các nước G20 coi cung cấp Bảo hiểm Y tế toàn dân (UHC) là cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống y tế có khả năng phục hồi và thúc đẩy xã hội hòa nhập và công bằng hơn. G20 cam kết nỗ lực để đạt được UHC, trong đó có bảo vệ rủi ro tài chính, tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng, các chương trình phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ, các loại thuốc và vắc xin an toàn, hiệu quả, chất lượng với giá cả phải chăng.

Hồng Hà (Theo TTXVN/Vietnam+)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.