Bảo đảm cơ hội cho 8 tỷ người
Khi thế giới được dự báo sẽ đón cư dân thứ 8 tỷ vào ngày 15/11/2022, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đã chuyển đi thông điệp: “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai khác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người” trong Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay.
Theo báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), dân số thế giới hiện là hơn 7,9 tỷ người. Từ nửa sau thế kỷ XX, dân số thế giới tăng ngày càng nhanh, trung bình mỗi năm tăng lên thêm 80 triệu người và đang dần tiến đến con số 8 tỷ người.
Với đà này, dân số thế giới dự báo đạt 9,7 tỷ người vào năm 2050; 10,7 tỷ người vào năm 2080 và 10,9 tỷ vào năm 2100. Nguyên nhân dẫn đến dân số thế giới gia tăng chủ yếu do số lượng người trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng, cộng với những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh, gia tăng đô thị hóa và tốc độ di cư. Bên cạnh đó tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng, từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019.
Đánh giá về dự báo dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ người, Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem cho rằng đây là cột mốc quan trọng cho thấy những tiến bộ trong việc tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm đói nghèo trên toàn cầu. Sức mạnh của 8 tỷ người cũng là nguồn lực quan trọng trong mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh con số trên là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới vấn đề bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, xu hướng tăng và già hóa dân số ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, phân phối thu nhập, nghèo đói và các biện pháp an sinh xã hội. Chúng cũng ảnh hưởng đến các nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm và năng lượng. Độ tuổi trung bình của người dân trên thế giới dự báo là 47 tuổi vào năm 2040. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà ở, cũng như sự cần thiết phải có thêm các nguồn lực để chăm sóc người cao tuổi.
Người dân Ấn Độ trên đường phố ở Kolkata, tháng 7/2011. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN) |
Tại Việt Nam, hơn 60 năm qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp Việt Nam đạt và về đích trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4).
Là một nước có quy mô dân số đông trên thế giới với dự báo đạt 99,44 triệu người vào năm 2022, chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm 2/3; tỷ lệ tử vong mẹ giảm 3/4 so với năm 1990...
Tuy nhiên, bên cạnh 4 thách thức lớn về dân số là tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa và chất lượng dân số thấp, Việt Nam đang phải giải quyết các vấn đề mới như cơ cấu dân số vàng đang qua nhanh, năng suất lao động còn thấp do tỷ lệ lao động qua đào tạo còn cao.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng cũng là thách thức không nhỏ. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,22%, cao nhất so với hàng chục năm trước do ảnh hưởng của đại dịch.
Có thể thấy "dấu mốc" dân số đạt 8 tỷ người mang tới cho thế giới cả cơ hội và thách thức. Đặc biệt, những thách thức sẽ càng khó giải quyết khi không phải tất cả mọi người đều được đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng như nhau. Vẫn còn những phụ nữ tử vong trong khi sinh nở, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, trong khi tiến bộ công nghệ lại làm gia tăng khoảng cách về kỹ thuật số ở các quốc gia đang phát triển. Tình trạng bất bình đẳng càng gia tăng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi vắcxin không được phân phối đồng đều.
Trong khi đó, nhiều người vẫn đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu hoặc là nạn nhân của tình trạng bạo lực, phân biệt đối xử. Trong bối cảnh đó, UNFPA cho rằng thế giới cần chuyển trọng tâm vào đảm bảo quyền và lựa chọn của con người, chú trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của con người. Việc đảm bảo tất cả mọi người đều được quan tâm có thể cho phép các chính phủ đánh giá tốt hơn nhu cầu của dân số và vạch ra một lộ trình chắc chắn hơn để giải quyết những nhu cầu đó.
Cơ quan dân số của Liên hiệp quốc đã nhận định “một thế giới 8 tỷ người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của cá nhân sẽ mang đến những khả năng vô hạn - khả năng để con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng”. Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn, mà việc bảo đảm các quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người sẽ góp phần củng cố xã hội đó.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc