Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Ngoại trưởng G20: Tìm giải pháp cho các vấn đề cấp thiết toàn cầu

09:14, 10/07/2022

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào ngày 7 - 8/7 tại đảo Bali của Indonesia.

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, cùng sự tham dự của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và các đối tác, Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm 2022 được kỳ vọng sẽ đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp thiết của thế giới hiện nay.

Tăng cường hợp tác toàn cầu,  song phương và đa phương

Trong khuôn khổ hội nghị sẽ tiến hành hai phiên họp. Trong đó phiên họp đầu tiên với nội dung tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận những bước tiếp theo nhằm thúc đẩy sự hợp tác toàn cầu và xây dựng sự tin tưởng giữa các nước, qua đó đảm bảo môi trường cho sự phát triển, hòa bình và ổn định của thế giới.

Ảnh minh họa (Nguồn: G20.org)

Tại phiên làm việc này, hai diễn giả đặc biệt gồm Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres và GS. Jeffrey Sachs thuộc Đại học Columbia (Mỹ) sẽ chia sẻ ý kiến, quan điểm về việc tăng cường các nguyên tắc và diễn đàn đa phương trong bối cảnh tình hình địa chính trị hiện nay.

Trong một phát biểu ngày 30/6, bà Dian Triansyah Djani, đồng Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao G20, cho biết: Hội nghị sẽ không ra văn bản hoặc thông cáo chính thức, nhưng những vấn đề được đưa ra thảo luận sẽ giúp tăng cường hợp tác cụ thể giữa các quốc gia trong tương lai. Bà cũng cho biết trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp song phương và bên lề.

Theo các nhà phân tích, việc quy tụ được đại diện của tất cả các nước thành viên giữa những lời kêu gọi, sức ép đòi tẩy chay và loại Nga ra khỏi G20 đã là một thành công đáng kể của Indonesia, với tư cách người cầm lái nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đánh giá cao sự tham dự của những người đồng cấp, cho rằng điều này sẽ làm tăng sự lạc quan rằng các nhà lãnh đạo G20 có thể thể hiện vai trò của mình trong việc kiến tạo hòa bình thế giới. Bà Retno nhấn mạnh: “Tình hình thế giới đang thực sự rất khó khăn, chúng ta cần hợp tác để thực hiện các cam kết vì hòa bình và nhân loại. Thế giới đang chờ đợi các nhà lãnh đạo G20 thể hiện vai trò vì hòa bình, nhân loại và thịnh vượng”.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 cũng được chú ý với hàng loạt thông báo về các cuộc gặp song phương giữa các nước. Trong đó đáng chú ý là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đây là tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, nhằm thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng và tăng cường hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang tìm cách gỡ nút thắt kinh tế.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp giữa ngoại trưởng 3 nước tại Bali. Nội dung chính trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm 3 bên này được cho sẽ là các vấn đề liên quan tới Triều Tiên…

An ninh năng lượng và lương thực

Vấn đề về an ninh lương thực và an ninh năng lượng cũng được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần này khi được tổ chức riêng một phiên họp. Ba diễn giả đặc biệt, bao gồm: Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới David Beasley, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người cũng là đồng Chủ tịch Chương trình Hành động năng lượng Liên hiệp quốc (UN-Energy) Damilola Ogunbiyi, và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Mari Elka Pangestu chia sẻ về tác động của cuộc xung đột hiện nay đối với kinh tế và sự phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái, với nhiều quốc gia đang bị tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm ngày càng hiện hữu. Sáng kiến của Liên hiệp quốc nhằm mở lại các tuyến đường biển để vận chuyển ngũ cốc, trong đó đưa thực phẩm và phân bón của Ukraine và Nga ra thị trường toàn cầu dự kiến được nhiều nước đưa ra tại hội nghị.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, sẽ nêu vấn đề này tại hội nghị, kêu gọi các nước G20 ủng hộ sáng kiến của Liên hiệp quốc mở lại các tuyến đường biển.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng các nước cũng sẽ mang đến hội nghị những đề xuất, sáng kiến quốc gia để góp phần giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát gia tăng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với ba vấn đề ưu tiên gồm tăng cường kiến trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số, và chuyển đổi năng lượng. Chuỗi các cuộc họp G20 trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Indonesia bắt đầu từ ngày 1/12/2021 và sẽ kết thúc bằng Hội nghị Thượng đỉnh cũng được tổ chức tại Bali vào ngày 15 - 16/11/2022 tới.

Lan Anh (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.