Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

06:26, 08/01/2023

Có thể nói, năm 2022 là một trong những năm "nóng" nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Trong suốt cả năm, khu vực này liên tục trong tình trạng căng thẳng với các màn phô trương sức mạnh quân sự của các bên liên quan. Triều Tiên đã gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa và bắn đạn pháo, trong khi Mỹ - Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Nhật  - Hàn liên tục tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.

Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023, Triều Tiên đã phóng thử 1 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông sau khi tiến hành thử 3 tên lửa đạn đạo vào ngày trước đó. Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây có điểm nổi bật là mức độ hiện đại của tên lửa, quy mô các vụ phóng và vị trí rơi của tên lửa. Triều Tiên đã sử dụng tên lửa siêu thanh Hwasong-8, là loại tên lửa có tốc độ cực cao, có thể di chuyển với tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Ngoài ra, Triều Tiên còn thực hiện một số vụ pháo kích quy mô lớn vào các vùng đệm trên biển Hoàng Hải và vùng biển phía đông nước này.

Triều Tiên nhiều lần khẳng định các vụ phóng tên lửa và nã pháo là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành. Lâu nay, Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là "cuộc diễn tập với kịch bản chiến tranh", là mối đe dọa an ninh đối với Triều Tiên.

Thực tế, năm 2022 cũng chứng kiến số cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng như tập trận ba bên với Nhật Bản gia tăng mạnh, cả tập trận chống tên lửa, tập trận bắn đạn thật, tập trận hải quân và không quân. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) "Hwasong Gun 17" của Triều Tiên ngày 18/11/2022.

Các hoạt động quân sự nêu trên khiến nguy cơ xung đột leo thang luôn cận kề, trong khi các bên liên tục chỉ trích lẫn nhau làm căng thẳng tình hình khu vực Đông Bắc Á.

Ngày 1/1/2023, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết trong cuộc họp kéo dài 5 ngày của Đảng Lao động bế mạc hôm 31/12/2022 ở Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu sản xuất hàng loạt tên lửa hạt nhân tầm ngắn có thể sử dụng để chống lại Hàn Quốc, cũng như chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhằm vào mục tiêu tại Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã buộc Triều Tiên phải coi “việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật” và “mở rộng kho vũ khí hạt nhân” là “định hướng chính” trong chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng cho năm 2023.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc ngày 4/1 cho biết Tổng thống nước này Yoon Suk-yeol đã chỉ thị cho các cố vấn cân nhắc tới việc ngừng thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều ký năm 2018. Đây là thỏa thuận được Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018 nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng. Thỏa thuận bao gồm các biện pháp thực chất nhằm giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, như dừng toàn bộ các hành vi thù địch lẫn nhau trên mặt đất, trên biển và trên không, phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA) tại làng đình chiến Panmunjom, rút thí điểm trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nhằm giảm căng thẳng quân sự và ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn.

Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, ông Lee Jae-myoung cho hay trong ngày đầu năm mới 1/1/2023, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra lệnh cho các chỉ huy quân đội nước này trừng trị thẳng tay mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên với "quyết tâm vững chắc không né tránh chiến tranh". Tổng thống Yoon Suk-yeol còn cảnh báo Triều Tiên có thể tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm sử dụng cả các công cụ phi đối xứng, trong khi cố gắng gia tăng các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa.

Các nhà phân tích cho rằng, bằng việc mở rộng kho hạt nhân, Triều Tiên hy vọng có thể gửi thông điệp đến Washington và các đồng minh rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, và họ nên quay lại bàn đàm phán với những nhượng bộ.

Dù bỏ ngỏ khả năng tập trận hạt nhân, song cả Hàn Quốc và Mỹ đều khẳng định không loại trừ sử dụng các biện pháp hạt nhân khác với Triều Tiên. Tuyên bố này của đồng minh Mỹ - Hàn khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở lên “nóng” hơn bao giờ hết.

Theo đánh giá của giới phân tích, những động thái mới nhất của các bên có thể khiến tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng, đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên vào vòng xoáy của cuộc chạy đua hạt nhân.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến mới này trên bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc quay trở lại mô hình ngoại giao thượng đỉnh trong giải quyết vấn đề Triều Tiên vốn được tiến hành vào năm 2018 - 2019 là điều không thể. Theo trưởng Ngoại giao Nga, Triều Tiên đã có những cử chỉ thiện chí chủ động và không được đáp lại. Vì vậy, để quay trở lại chương trình nghị sự mang tính xây dựng, trước tiên Mỹ và các đồng minh nên từ bỏ ý tưởng về các biện pháp trừng phạt cũng như từ bỏ việc gây áp lực hơn nữa đối với Triều Tiên.

Trung Quốc trước đó cũng đã nhiều lần nhấn mạnh về đề xuất này của Nga. Trong tuyên bố tại cuộc họp Hội đồng Bảo an về tình hình Triều Tiên, Đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, ông Trương Quân nhấn mạnh: “Thế giới ngày nay đầy rẫy những bất ổn và bán đảo Triều Tiên không thể chịu được nguy cơ tình hình ngày càng xấu đi. Các bên cần tập trung vào hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và khu vực, đồng thời thực hiện các biện pháp thiết thực và đóng vai trò tích cực cho một giải pháp chính trị về vấn đề này”.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.