Multimedia Đọc Báo in

Hãy tạm biệt nỗi buồn và vượt qua chính mình

08:46, 15/08/2021

Không giành được huy chương nào tại Olympic Tokyo 2020 là một “khoảng lặng” lấp đầy những nuối tiếc không chỉ với người hâm mộ nước nhà mà còn cho các vận động viên (VĐV) Đoàn thể thao Việt Nam, dù họ rất nỗ lực nhưng không vượt qua được chính mình!

Bước vào đấu trường Olympic danh giá nhưng đầy khốc liệt, Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ gặt hái huy chương với những cái tên kỳ cựu như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Ánh Viên... Nhưng hành trình chạm tới giấc mơ đẹp ở Tokyo lại không gọi tên VĐV Việt Nam. Khách quan thì dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng rất nhiều quá trình tập luyện của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng đây là khó khăn chung khi các nước láng giềng Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines vẫn có Huy chương Vàng trong khi Việt Nam thường lọt tốp 3 mỗi kỳ SEA Games.

Đô cử Thạch Kim Tuấn dù thi đấu nỗ lực cũng không thể giải "cơn khát" huy chương ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Internet

Dễ nhận thấy nhất đây là vấn đề tâm lý thi đấu, các VĐV của ta đang thua... chính mình. Họ thất bại không phải yếu kém hơn đối thủ mà vì thiếu "cái đầu lạnh” ở thời điểm nhất định, một bản lĩnh thi đấu biết vượt qua sức ép, áp lực thành tích, hy vọng... Nếu các VĐV tập trung thi đấu đúng sức, bằng với thành tích thi đấu ở trong nước và quốc tế của chính họ trước đó thì một số VĐV đã có huy chương. Đơn cử: Thạch Kim Tuấn chỉ cần đạt thành tích 304 kg từng giúp anh có Huy chương Bạc SEA Game 30 thì ở hạng cân 61 kg ở Olympic Tokyo anh đã đoạt huy chương đồng. Hay đô cử Hoàng Thị Duyên nếu duy trì thành tích 216 kg ở giải vô địch châu Á vào tháng 4 cô cũng sẽ có huy chương Olympic.

Ngay tại Olympic Tokyo 2020, chúng ta cũng thấy tinh thần ảnh hưởng lớn đến VĐV thế nào, kể cả một siêu sao thế giới môn thể dục dụng cụ như Simone Biles. Vì sức khỏe tinh thần không đảm bảo, cô đã quyết định bỏ cuộc giữa chừng phần thi chung kết khiến Mỹ đánh rơi chiếc Huy chương Vàng đồng đội nữ. Vậy mới thấy, vấn đề tâm lý thi đấu của VĐV cần nhìn nhận đúng mức, đặc biệt trong giải đấu đỉnh cao như Olympic 4 năm mới tổ chức một lần. Sự lo lắng, hồi hộp trong từng bước nhảy, cú đánh hay sút bóng cũng khiến cục diện trận đấu thay đổi. Bởi thế, người hâm mộ nên “mở lòng”, khoan trách móc vì không như kỳ vọng, thay vào đó cổ vũ các VĐV nước nhà vượt qua “nỗi đau” này. Lạc quan hơn, chúng ta có thể nhìn thấy những “tín hiệu vui” như Quách Thị Lan là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền vào thi bán kết một nội dung điền kinh có thi vòng loại. Hay kình ngư Nguyễn Huy Hoàng là VĐV duy nhất của châu Á góp mặt trong top 20 VĐV có thành tích tốt nhất ở vòng loại nội dung bơi 800 m tự do nam.

Vì vậy, hãy tạm biệt nỗi buồn ở Olympic Tokyo, hy vọng, các VĐV nước nhà sẽ tiếp tục nâng cao trình độ, rèn giũa tâm lý thi đấu để có thể viết nên giấc mơ đẹp ở Olympic France 2024.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.