Bóng đá Việt Nam Nhận diện chỗ đứng
Chúng ta đang ở đâu, sẽ phải bước tiếp với chiến lược gì trong tương lai? Thiết nghĩ, 7 trận thua liên tiếp ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đã phản chiếu rõ nhất các vấn đề của bóng đá Việt Nam trên hành trình từ “ao làng” vươn ra “biển lớn”.
Bóng đá Việt đang ở đâu?
Đội tuyển Việt Nam đến AFF Cup năm nay với tư cách đương kim vô địch. Hơn nửa các đội tham gia là yếu. Nhóm ứng cử viên cho chức vô địch quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy đội: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore. Số lần vô địch nhiều nhất AFF Cup thuộc về Thái Lan (5 lần), Singapore (4), Việt Nam (2), Malaysia (1).
Bóng đá Thái Lan từng thống trị rất lâu ở khu vực, riêng SEA Games đã 9 lần đăng quang nhưng cũng không thể vượt giới hạn, đang trên đà đi xuống. Bước ra sân chơi châu Á, hay thế giới, trình độ của họ vẫn còn khoảng cách rất xa với các đội bóng hàng đầu châu lục dù họ đã hai lần lọt vào vòng cuối cùng Vòng loại World Cup (2002, 2018). Việt Nam hai lần vô địch AFF Cup, một lần lên ngôi vua SEA Games. Lần đầu tiên đoàn quân áo đỏ lọt vào vòng cuối cùng Vòng loại World Cup 2022. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng thầy trò ông Park vẫn thua liên tiếp.
Vì vậy, làm sao để bóng đá Việt Nam vươn lên mạnh mẽ bằng sự ổn định của đẳng cấp là rất khó. Nó đòi hỏi phải duy trì nhịp độ ổn định ở nền tảng bao gồm công tác đào tạo trẻ; hệ thống giải chuyên nghiệp; chiến lược phát triển vĩ mô của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.
Quan sát kỹ hơn thì chúng ta có những điểm cần lạc quan. Thực tế dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Park Hang-seo, trong gần 5 năm qua thành tích quốc tế của chúng ta khá ổn định. Đỉnh cao là đội tuyển U20 quốc gia giành vé tham dự Vòng chung kết World Cup U20 thế giới. U23 đoạt ngôi Á quân Vòng chung kết U23 châu Á. Việc lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vẫn là thành tích lịch sử. Ngoài ra, đội tuyển Futsal lập được chiến tích vang dội khi hai lần giành vé dự Vòng chung kết World Futsal.
Một nền bóng đá không tránh khỏi những chu kỳ chuyển tiếp. Khi Huấn luyện viên Park Hang-seo rời Việt Nam và lứa U23 hiện nay đang có biểu hiện chất lượng không cao, các nhà lãnh đạo nền bóng đá cần nhanh chóng khỏa lấp những lỗ hổng về lực lượng để giai đoạn chuyển giao không bị đứt gãy. Với lực lượng như hiện nay, việc thống trị khu vực của U23 Việt Nam xem ra rất khó bởi các đối thủ trong khu vực cũng đang quyết tâm rất cao.
Đội tuyển U23 Việt Nam còn đang thiếu những gương mặt xuất sắc như lứa đàn anh. Ảnh: Quốc Khánh |
Giải chuyên nghiệp cần được “đánh thức”
Trước đây, hệ thống các giải chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và điều hành. Sau đó, bầu Kiên cùng các đồng sự đã cho ra đời Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) năm 2012. Đây là mô hình tiên tiến mà các nước đang áp dụng, đưa bóng đá theo mô hình doanh nghiệp, tạo ra nhiều lợi nhuận.
Mộng ước là vậy nhưng sau 9 năm cơ chế vận hành của VPF vẫn theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, chịu sự chi phối chính yếu từ cổ đông lớn nhất là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chất lượng chuyên môn không cao, khán giả ít đến sân, giá trị khai thác quảng cáo thấp. Đặc biệt, năng lực tổ chức, điều hành vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Sau đại dịch COVID-19, rất nhiều câu lạc bộ (CLB) sẽ lao đao về kinh tế nên VPF cần phải được tái cấu trúc mạnh mẽ để tránh rơi vào khủng hoảng. Cần tạo ra một môi trường năng động cùng cơ chế thích ứng để phát huy nội lực của các CLB, tiến tới kinh doanh phải có lãi. Lâu nay, sự sống còn của các CLB phụ thuộc quá lớn vào doanh nghiệp đã làm tê liệt sự sáng tạo lẫn bản sắc của họ. Một nền bóng đá chuyên nghiệp không thể để hàng loạt CLB nổi tiếng bị giải tán, may mắn tồn tại nhưng liên tục thay tên, đổi chủ.
Giải chuyên nghiệp là “bệ phóng” cho nền bóng đá quốc gia. Là cơ chế nuôi sống những người tham gia hoạt động bóng đá; môi trường cọ xát, thể nghiệm, đào tạo nên nhân tài cho các đội tuyển. Nếu V-League sau 21 năm vẫn tiếp tục phát triển chậm, chúng ta sẽ bị tụt hậu.
May mắn khi bóng đá luôn được quan tâm
Nhìn xuyên suốt một chu kỳ 5 năm, phải ghi nhận bóng đá đã mang lại nhiều niềm vui cho hàng triệu khán giả cả nước. “Gái có công, chồng không phụ”, sau mỗi vinh quang thì các tuyển thủ, huấn luyện viên, lãnh đạo bóng đá luôn được nhận chế độ đãi ngộ xứng đáng.
Chỉ trong thời gian 2 tháng trong năm nay thôi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đi công tác nước ngoài đã có đến hai lần gặp gỡ với nhân vật quyền lực nhất của bóng đá thế giới - Chủ tịch FIFA - Gianni Infantino. Từ thời còn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đến khi làm Thủ tướng Chính phủ và nay là Chủ tịch nước, vị nguyên thủ đáng kính luôn dành thời gian quan tâm đến các hoạt động bóng đá. Đó là điều đáng trân quý, để lại hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Từ đó, FIFA cũng hỗ trợ rất nhiều cho bóng đá Việt Nam trong những năm qua. Đó là động thái tích cực, làm bàn đạp để các đội tuyển Việt Nam có sự hậu thuẫn lớn, nhằm vươn tầm trong tương lai.
Tất yếu, sự quan tâm của Nhà nước là tiền đề để bóng đá nước nhà cất cánh. Tuy vậy, vai trò dẫn dắt của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng ý thức làm bóng đá chuyên nghiệp của các CLB hết sức quan trọng. Có như vậy, bóng đá Việt Nam mới phát triển một cách bền vững, tiến gần hơn tới giấc mơ World Cup. Hành trình vươn ra “biển lớn” luôn cần tới hai yếu tố căn bản: tài năng và lòng dũng cảm.
Phong uyên
Ý kiến bạn đọc