Multimedia Đọc Báo in

Học cách “biết người, biết ta”

06:09, 28/12/2021

Một trong những “căn bệnh” của một bộ phận truyền thông, người hâm mộ lâu nay là cường điệu, tâng bốc, tán dương thái quá mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng; hoặc tìm đủ lý do bao biện, phân bua nhằm làm giảm tính chất, mức độ khi đội tuyển thất bại…

Trong khuôn khổ vòng bảng AFF cup 2021, sau khi tuyển Việt Nam vượt qua Á quân Malaysia với tỷ số 3 - 0, “những chiến binh sao vàng” nhận được cơn mưa khen ngợi từ các trang mạng với vô vàn những mỹ từ như: “Mãnh hổ bại trận, đoàn quân áo đỏ thắng lớn”,  “Tiếng nói của đẳng cấp”… Chưa dừng lại ở đó, để tô đậm cho chiến thắng của Việt Nam, một số trang mạng không ngần ngại chê bai kiểu “vùi dập” đối thủ.

Chiến thắng trước Malaysia là xứng đáng cho đội tuyển Việt Nam, song dưới cái nhìn khách quan, trung lập, xem xét toàn bộ diễn biến của trận đấu, trong bối cảnh mà tuyển Malaysia bị sứt mẻ lớn về lực lượng do nhiều trụ cột của đội, từ thủ môn đến hậu vệ, tiền đạo đều bị nhiễm COVID-19, thì chiến thắng này không có gì là quá bất ngờ.

Huấn luyện viên Park Hang-seo luôn cẩn trọng, chừng mực và tôn trọng các đối thủ khi nhận định về họ. Ảnh: VFF

Có lẽ dư âm của trận thắng nhà á quân cũng khiến một bộ phận truyền thông hết sức tự tin trước trận gặp Indonesia sau đó. Những nhận định, dự đoán, thông tin về một chiến thắng chắc chắn, dễ dàng cho tuyển Việt Nam ngập tràn trên nhiều trang mạng. Tất cả đều quả quyết, với một trình độ, đẳng cấp khác, Việt Nam thắng Indonesia là lẽ đương nhiên. Tự tin, lạc quan quá mức rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, khinh địch và hụt hẫng, thất vọng tột cùng khi kết quả cuối cùng không như ý muốn. Minh chứng trong trận gặp Indonesia, tuyển Việt Nam có trận đấu đầy thất vọng. Những Công Phượng, Quang Hải, Tiến Linh, Đức Chinh… vốn hơn hẳn kinh nghiệm, từng chinh chiến ở sân chơi cuối cùng vòng loại World Cup 2022 đã có một trận đấu đáng quên, hoàn toàn bế tắc trước các cầu thủ trẻ của Indonesia có tuổi đời trung bình chỉ 20. Lạ lùng thay, sau trận đấu ấy các trang mạng lại im lặng đến khó hiểu.

Còn nhớ, năm 2016, khi cựu tuyển thủ, Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vô địch Cúp Tứ hùng Myanmar, truyền thông trong nước cũng tâng bốc chiến thắng và đưa các cầu thủ lên tận mây xanh, để rồi chính Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng đã phải năn nỉ, “xin” báo chí đừng nói quá về đội tuyển và cầu thủ nữa: “Chúng tôi chỉ vô địch một giải giao hữu thôi. Ấy vậy mà truyền thông đã khiến các cầu thủ đứng trước nguy cơ “chân không chạm đất” rồi. Tôi lo là một số em đã lâng lâng, tưởng ghê gớm lắm”. Còn Huấn luyện viên đương nhiệm Park Hang-seo, một người luôn tôn trọng tất cả đối thủ ở mọi đấu trường và có những phát ngôn rất chừng mực cũng từng tỏ ý không hài lòng với truyền thông khi cường điệu hóa, tung hô những chiến thắng của đội tuyển trong vòng loại thứ hai World Cup 2022 và diễn đạt sai ý của ông. Là một huấn luyện viên kinh nghiệm, ông hiểu rõ rằng sự thành - bại của một đội bóng không chỉ được quyết định trên phương diện chuyên môn, mà còn ở góc độ “biết người, biết ta”, đúng hơn là dành sự tôn trọng nhất định cho đối thủ dẫu khi ta là người giành chiến thắng. “Thắng không kiêu, bại không nản” luôn là cách xử trí khôn ngoan trong mọi mặt đời sống, không chỉ riêng với bóng đá.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.