Tuyệt vời điền kinh Việt Nam
Không ngoài dự báo, điền kinh Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công rực rỡ trên sân nhà để tiếp tục khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á.
1. Điền kinh là môn thể thao Olympic nên các nội dung thi đấu luôn thu hút đông đảo lượng khán giả lẫn giới chuyên môn theo dõi. Với 22 tấm Huy chương Vàng (HCV) “gặt” được tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam đã tạo ra cột mốc lịch sử, vượt xa chỉ tiêu đặt ra là giành từ 15 - 17 HCV. Thành tích vang dội này đã giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam lần thứ ba liên tiếp vượt Thái Lan để giành ngôi nhất toàn đoàn tại các kỳ SEA Games.
Ngày cuối cùng thi đấu, vận động viên Hoàng Nguyên Thanh đã gây chấn động khi lần đầu tiên trong lịch sử giúp điền kinh Việt Nam giành HCV marathon - 42,195 km tại SEA Games. Chưa bao giờ điền kinh Việt Nam có được tấm HCV danh giá ở cự ly khốc liệt này. Thành tích của Hoàng Nguyên Thanh là 2 giờ 25 phút 07 giây 84. Tấm HCV của Thanh được ví quý hơn kim cương.
Trước đó, ở nội dung 7 môn phối hợp nữ - một trong số các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh, chúng ta cũng đã có HCV sau 17 năm chờ đợi. Với 5.415 điểm, cô gái 25 tuổi người dân tộc Mường Nguyễn Linh Na đã mang đến điều kỳ diệu khi đoạt HCV SEA Games, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm - VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập). Đây có thể coi là một trong những bất ngờ lớn nhất của bộ môn điền kinh tại SEA Games 31.
Một bất ngờ nữa của điền kinh ở SEA Games 31 phải kể đến HCV chạy 100 m rào nữ của vận động viên Bùi Thị Nguyên với thời gian 13 giây 51. Trước đó, giới chuyên môn kỳ vọng đàn chị Huỳnh Thị Mỹ Tiên mới là người có được HCV. Tuy nhiên, trong ngày thi đấu xuất thần, Bùi Thị Nguyên đã giành HCV sau 5 năm chờ đợi.
Một tấm HCV khác cũng để lại rất nhiều ấn tượng thuộc về vận động viên người dân tộc Thái Lò Thị Hoàng. Lò Thị Hoàng tạo ra bất ngờ thú vị khi giành HCV ném lao với thành tích 56,37 m, phá kỷ lục cũ của SEA Games là 55,97 m.
Sau 10 năm đợi chờ, vận động viên Quách Thị Lan cũng đã có tấm Huy chương Vàng cá nhân đầu tiên ở nội dung 400 m vượt rào nữ. |
2. Sau 10 năm đợi chờ, vận động viên Quách Thị Lan cũng đã có được tấm HCV cá nhân đầu tiên ở nội dung 400 m rào nữ. Tại SEA Games lần này, chân chạy người Thanh Hóa đã vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền để có tấm HCV cho riêng mình. Đây là dấu mốc quan trọng của Lan bởi trước đó dù giành HCV Asiad cùng rất nhiều HCV các nội dung tiếp sức SEA Games nhưng cô chưa từng có HCV cá nhân.
Góp công chung vào chiến tích rực rỡ của điền kinh Việt Nam không thể quên hai cái tên nổi bật Nguyễn Thị Oanh – Nguyễn Thị Huyền. Đây thực sự là những VĐV tiêu biểu tại kỳ SEA Games 31.
Nhiều năm qua VĐV “bé hạt tiêu” Nguyễn Thị Oanh đã khẳng định năng lực của mình. Trước đó ở SEA Games 30, Oanh đã lập kỳ tích khi giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung 1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật, 5.000 m. Ở SEA Games 31, Oanh tiếp tục góp mặt ở 3 nội dung sở trường trên. Không chỉ tái lập thành tích đoạt cả 3 HCV, Oanh còn phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật với thời gian 9 phút 52,44 giây (kỷ lục cũ do cô lập tại SEA Games 30 với 10 phút 00,02 giây).
Nguyễn Thị Huyền không hề kém cạnh khi cũng 3 lần liên tiếp giành HCV SEA Games để nâng tổng thành tích có tổng cộng 10 HCV trong sự nghiệp điền kinh. Nguyễn Thị Huyền bắt đầu thi đấu từ SEA Games 2015 tại Singapore và cô đã trải qua nhiều lần vô địch trong những nội dung sở trường 400 m, 400 m vượt rào từ đó tới nay. Tại SEA Games 31, Huyền vô địch nội dung 400 m và Huy chương Bạc (HCB) nội dung 400 m vượt rào cùng HCV tiếp sức 4x400 m nữ, HCB 4x400 m tiếp sức nam - nữ.
Nữ vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Huyền cùng con gái và các đồng đội vui mừng sau chiến thắng ở nội dung 4x400m tiếp sức. Ảnh: Thanh Niên |
3. Tại mỗi kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, điền kinh luôn là một trong những môn thi đấu có nhiều bộ huy chương nhất; đồng thời cũng nằm trong những thế mạnh của thể thao Việt Nam trong ngày hội tranh tài lớn nhất khu vực.
Thành công của điền kinh một lần nữa khẳng định hướng đi đúng trong việc đầu tư của thể thao Việt Nam. Để có được thành tích như vậy từ năm 2015, điền kinh Việt Nam đã đầu tư trọng điểm khoảng 100 tỷ đồng cho các vận động viên tiềm năng đi tập huấn nước ngoài, thuê huấn luyện viên ngoại về cầm quân. Không chỉ thành tích ở các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam đã và đang đặt ra những mục tiêu xa hơn cho lộ trình phát triển thời gian đến.
Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ hy vọng rằng thành tích lứa các vận động viên điền kinh hiện tại "có thể là nguồn cảm hứng cho các tài năng trẻ". Việt Nam đang có những mục tiêu lớn hơn ở môn điền kinh.
Điền kinh Việt Nam có 2 giai đoạn trong kế hoạch của mình. Mục tiêu trong giai đoạn 1 là giành HCV (ở mức thường xuyên) tại cấp độ châu Á vào năm 2030. Và trong giai đoạn 2, vốn là kế hoạch dài hơi hơn nữa, Việt Nam hy vọng sẽ có những vận động viên có thể gây bất ngờ tại các thế vận hội và giành huy chương vào năm 2050. Việt Nam sẽ đầu tư và đào tạo các nhóm vận động viên điền kinh để đạt được mục tiêu này.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc