Multimedia Đọc Báo in

Bóng đá Việt Nam và công nghệ VAR

08:46, 26/10/2022

FIFA đã yêu cầu các liên đoàn bóng đá thành viên phải đưa công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee - VAR) vào hệ thống giải chuyên nghiệp quốc gia. Đây là thách thức lớn với bóng đá Việt Nam bởi vận hành VAR phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chí về con người, công nghệ, kinh phí…

Vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã làm việc với đại diện FIFA. Nếu hoàn thiện nhanh nhất các yêu cầu từ FIFA, VAR sẽ có mặt ở V.League vào mùa 2023 - 2024 (dự kiến khai mạc vào tháng 11/2023 và kết thúc vào tháng 6/2024). Đây là mùa đầu tiên bóng đá Việt Nam chuyển đổi lịch thi đấu giống như châu Âu nhằm đồng bộ hóa lịch thi đấu toàn cầu theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Kinh phí cho dự án VAR vào khoảng 70 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở vấn đề bóng đá Việt Nam cần phải hòa nhập và thích nghi với dòng chảy bóng đá thế giới.    

Theo kế hoạch của VFF, quy trình từ lúc thực hiện dự án VAR cho V.League đến khi được FIFA cấp phép triển khai phải kéo dài tối thiểu 13 tháng. Hẳn nhiên, để có thể triển khai, được cấp phép, sở hữu và sử dụng VAR tại Việt Nam, mọi thứ sẽ rất khó khăn. Để có thể được FIFA cấp phép triển khai VAR ở V.League, bóng đá Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về mặt chuyên môn, nhất là nhân lực. Vấn đề quan trọng ở đây chủ yếu nằm ở công tác đào tạo trọng tài VAR và kỹ thuật đáp ứng vận hành xuyên suốt các trận đấu.

VFF xác định khó khăn lớn nhất là công tác đào tạo trọng tài VAR.  Đây là công việc tốn nhiều thời gian và công sức để có được đội ngũ nhân lực đạt chuẩn như yêu cầu từ phía FIFA. Thêm một tiêu chí cần được nhấn mạnh là phải có được sự chấp thuận của FIFA về mặt công nghệ, bản quyền thì V.League mới có thể ứng dụng VAR.

Nếu có công nghệ VAR các trọng tài sẽ được tin tưởng hơn bởi sai sót lâu nay ít được các đội bóng tâm phục khẩu phục.  

Việt Nam cần bảo đảm có được khoảng 100 trọng tài được đi học chuyên sâu, thì mới được FIFA đồng ý áp dụng VAR. Tuy vậy, không phải đi học là đạt yêu cầu đề ra. Bởi ở khu vực Ðông Nam Á, số trọng tài đạt tiêu chuẩn của FIFA để điều hành phòng VAR rất hiếm. Việc đào tạo trọng tài VAR không đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn và chúng ta cần phải tìm cách để thích ứng càng nhanh càng tốt.

Cho dù việc đào tạo trọng tài VAR sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Nhưng với xúc tiến mạnh mẽ trong thời gần đây có thể được xem như một bước tiến lớn với bóng đá Việt Nam, nhằm đem đến những trận cầu chất lượng, minh bạch hơn cho V.League.

Trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam đã có được bước tiến vượt bậc trên nhiều phương diện. Những thành công của bóng đá nước nhà ở khu vực và châu lục đã được ghi nhận xứng đáng. Từ đó, hình ảnh bóng đá Việt Nam càng được nâng tầm trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, V.League ngày càng được cải thiện, nâng tầm chất lượng để tạo ra nền tảng cho bóng đá nước nhà. Tuy vậy, các giải đấu trong nước vẫn còn những hạn chế cố hữu mà công tác trọng tài được xem như điểm yếu nhất.

Rất nhiều sai sót của đội ngũ trọng tài diễn ra suốt nhiều mùa giải đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, chất lượng của V.League. Nhiều tranh cãi và cả hệ lụy đã xảy ra mặc dù giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp hóa và nỗ lực vươn tầm từng ngày. Rõ ràng, V.League đang ngóng VAR hơn lúc hết.

Có VAR, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm của trọng tài, mang lại công bằng cho các đội bóng và niềm tin của người hâm mộ. Hơn nữa, khi bóng đá Việt Nam đang hướng đến những mục tiêu cao hơn trong quá trình hội nhập quốc tế, dần tiếp cận đẳng cấp, trình độ của châu lục và thế giới, hướng tới việc giành vé tham dự World Cup thì việc áp dụng công nghệ VAR sẽ góp phần nâng chất lượng V.League. Đồng thời đưa các thông lệ, công nghệ của bóng đá quốc tế vào áp dụng trong nước là đòi hỏi cấp bách.

Trong xu thế hiện nay, trước sau hay sớm muộn gì rồi bóng đá Việt Nam cũng phải có VAR. Ở đây, những bài toán về kinh phí, công nghệ, nhân lực phải được các bên chung tay tìm phương án giải quyết. Nhưng mọi thứ còn phải chờ ở tương lai. Vậy nên trong lúc chờ VAR, bóng đá nước nhà vẫn phải đối diện với những câu chuyện cũ trong công tác quản lý, điều hành.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.