Multimedia Đọc Báo in

Cú hích từ bản quyền truyền hình

07:51, 30/10/2022

Tuần này, một tin không thể vui hơn với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V-League): Tập đoàn FPT sẽ mua bản quyền truyền hình V-League trong 4 năm tới (2023 - 2027) với giá trị 2,5 triệu USD/năm (hơn 60 tỷ đồng/năm).

Thương vụ đó gấp 20 lần giá trị bản quyền truyền hình mà V-League nhận được hiện nay. Thông tin trên đã khiến những ai quan tâm đến giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất phấn khởi. Bởi, đã 22 năm phát triển V-League nhưng bản quyền truyền hình luôn được định giá bèo bọt. Điều đó không những mất đi nguồn thu cực lớn với Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mà còn khiến các câu lạc bộ (CLB) cũng không được hưởng lợi từ “con gà đẻ trứng vàng” mang tên bản quyền truyền hình.

Thậm chí, năm 2010 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng “bán thốc bán tháo” bản quyền truyền hình V-League cho truyền hình AVG với thời hạn 20 năm. Giá trị rất khiêm tốn, 6 tỷ đồng/năm, tăng 10% sau mỗi mùa giải. Tuy nhiên, việc VFF “bán lúa non” bản quyền truyền hình có thời hạn đến 2 thập niên, trong khi nhiệm kỳ chỉ 5 năm đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều thành phần đang tham gia hoạt động bóng đá. AVG sau đó đã phải trả lại bản quyền truyền hình V-League cho VFF.

Năm 2017, Next Media ký hợp đồng với Công ty VPF để sở hữu toàn bộ bản quyền truyền hình Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (bao gồm V-League, Giải hạng nhất, Cúp quốc gia) từ năm 2017 đến hết mùa giải 2022. Mỗi năm, Next Media trả cho VPF ngoài tiền mặt tương đương 3 tỷ đồng, là thời lượng quảng cáo trong mỗi trận đấu (trung bình khoảng 9 phút/trận đấu). Một cái giá quá hời với Next Media.

Trong khi đó, chúng ta hãy nhìn sang Giải bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, để có sự so sánh. Gói bản quyền truyền hình Thai-League (2021 - 2028) có giá trên 400 triệu USD (hơn 9.500 tỷ đồng), một con số gây “choáng” cho các liên đoàn bóng đá các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thái-League đang có sức thu hút là số 1 Đông Nam Á, thứ 4 Đông Á.

Bản quyền truyền hình V-League nâng cao giá trị sẽ giúp giải chuyên nghiệp được tái cấu trúc theo hướng tích cực.

Nếu tính từ mùa giải 2000, đánh dấu Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam (A1) lên chuyên nghiệp (V-League), chúng ta đã sắp đi hết 22 mùa bóng. Công ty VPF cũng vừa tròn 10 tuổi. Chừng đó thời gian, nếu V-League thực sự phát triển đúng hướng, chắc chắn không chỉ đột phá khâu bán bản quyền truyền hình mà nhiều giá trị gia tăng khác sẽ được nâng tầm. Tuy nhiên, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp vẫn phát triển theo kiểu bán chuyên. Chất lượng chuyên môn và lượng thu hút khán giả không cao. Các biểu hiện tiêu cực như dàn xếp tỷ số, bán độ, móc ngoặc, trọng tài có vấn đề tư tưởng… mùa nào cũng nhức nhối. Từ đó, dẫn đến mất niềm tin từ doanh nghiệp, nhà tài trợ và đặc biệt là khán giả. Đa số các CLB, dù tồn tại ở mô hình công ty cổ phần bóng đá nhưng không có lãi, hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách của “ông bầu” và địa phương.

Hình ảnh sân Lạch Tray rực đỏ khán giả trận gặp Hà Nội vừa qua, chất lượng chuyên môn cực cao, tổ trọng tài thuê từ Hàn Quốc sang là giấc mơ của bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. Cách đó hơn 1000 km, trên sân Thống Nhất, Sông Lam Nghệ An đã có trận hòa tai tiếng trước đội đang nằm dưới đáy bảng là TP. Hồ Chí Minh. Một trận đấu ban huấn luyện đội bóng xứ Nghệ không tung cầu thủ ngoại vào sân, thủ môn thứ ba trấn giữ khung thành, may mắn gỡ hòa phút chót. Trên khán đài, chỉ vài chục người hâm mộ xứ Nghệ cổ vũ cho Sông Lam Nghệ An. Hội cổ động viên Sông Lam Nghệ An đã kêu gọi tẩy chay đội nhà khi 9 trận chỉ thắng 1, từ vị trí đầu bảng hiện đã rơi xuống thứ 6. Một màn “khẩu chiến” giữa đội trưởng Quế Ngọc Hải đang diễn ra với cổ động viên Sông Lam Nghệ An, về khái niệm “cổ động viên chân chính và bóng đá chân chính”. Dù kết quả thế nào nhưng việc khán giả xứ Nghệ luôn nổi tiếng cả nước về sự chung tình, cuồng nhiệt, đã kêu gọi quay lưng với Sông Lam Nghệ An là tổn thất nặng nề với đội bóng này.

Phân tích thế để thấy rằng, để đưa thương hiệu các CLB nói riêng, giải chuyên nghiệp nói chung bay bổng là sứ mệnh rất nặng nề. Tất nhiên, cần phải ghi nhận toàn cục, mùa giải 2022 đã có nhiều đột phá về chất lượng, sự hấp dẫn, lượng khán giả đến sân. Chính sự tươi mới đó đã góp phần khiến giá trị của bản quyền truyền hình tăng vọt. Mỗi CLB sẽ được hưởng 2 tỷ đồng/mùa. Cho nên, những người làm bóng đá chuyên nghiệp cần biết nâng niu, trân trọng những thành tựu đã tạo dựng được để đưa mùa giải 2022 cập bến an toàn.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.