Thương lắm, châu Phi và châu Á!
Châu Phi có 5 đại diện lọt vào Vòng chung kết World Cup 2022, trong khi châu Á góp mặt 6, nhưng chỉ Morocco vào tứ kết. Dù sao, vẫn cần dành lời khen tặng cho hai châu lục có vạch xuất phát chậm.
Tráng sĩ “Morocco”
Đăng quang Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, Hoa hậu Thùy Tiên nổi tiếng với chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa ở châu Phi. Những hình ảnh đồng hành của Thùy Tiên và team Quang Linh Vlog ở châu Phi đến nay vẫn còn lan truyền nhanh khắp các diễn đàn. “Hành trình từ thiện ở châu Phi là một khoảng trời ký ức đẹp mà tôi không thể nào quên được. Cảnh sắc nơi đây thật đẹp, người dân thật tội nghiệp, rất cần sự giúp đỡ của thế giới”- hoa hậu Thùy Tiên từng tâm sự vậy.
Trong mỗi chúng ta, hình ảnh châu Phi có gì đó gần gũi với Việt Nam, có một số phẩm chất thật đặc biệt. Những con người của châu lục này luôn biết cách chinh phục thế giới bằng những điều kỳ diệu thông qua thể thao và bóng đá. Còn nhớ Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thời buổi đầu rất nhiều cầu thủ châu Phi. Họ cũng rất dễ thương, đá bóng giỏi, tạo một sắc thái riêng cho V-League.
Đã từ lâu, cầu thủ châu Phi cũng đóng góp một phần quan trọng trong làng bóng đá đỉnh cao châu Âu với nhiều tên tuổi lớn. Họ truyền cảm hứng cho bao thế hệ cầu thủ trẻ ở quê nhà. Dù thế, cùng với châu Á, vẫn phải thừa nhận bóng đá châu Phi còn quá lép vế tại đấu trường lớn như World Cup. Bóng đá châu Phi cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể hòa nhập với nhóm 1, khi còn hoang dã cả trong chiến thuật, kỹ thuật, hạn chế về kinh tế, điều kiện cọ xát đỉnh cao.
Ở World Cup năm nay, châu Phi có sự hiện diện của 5 đội bóng: Cameroon, Ghana, Morocco, Senegal và Tunisia. Tất cả đều sử dụng huấn luyện viên nội. Tiếc rằng trong 10 cầu thủ hay nhất châu Phi năm 2022 mà tạp chí Four Four Two bình chọn, có hơn nửa (6 người) đã không xuất hiện ở Vòng chung kết World Cup 2022.
Có hai đội châu Phi vào đến vòng 1/8 là Senegal và Morocco nhưng chỉ còn mỗi Morocco vào tứ kết. Điều kỳ diệu là họ đánh bại Tây Ban Nha bằng một chiến thuật vô cùng khoa học, bản lĩnh tuyệt vời cùng phong thái không kém phần lãng mạn. Tiêu biểu là thủ môn Yassine Bounou, nụ cười cũng như đẳng cấp bắt bóng của anh quá mê hoặc. Anh đã làm nhiều cầu thủ Tây Ban Nha “khóc thét” để rồi ghi danh là thủ môn châu Phi đầu tiên trong lịch sử World Cup cản phá được hai quả sút 11 m trong loạt luân lưu. Và dù Morocco có viết tiếp trang sử vẻ vang cho bóng đá châu Phi ở trận tứ kết hay không thì họ cũng xứng đáng nhận những lời ngợi ca!
Có một chi tiết rất thú vị, đấy là hôm Mỹ đá với xứ Wales, tiền đạo 21 tuổi Timothy Weah đã gây xôn xao khi ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Mỹ ở World Cup 2022. Timothy Weah chính là con trai của đương kim Tổng thống quốc gia châu Phi - Liberia, ông George Weah. Ông George Weah cũng từng đoạt danh hiệu "Quả bóng vàng châu Âu" năm 1995 và "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới" năm 1995. Từ bóng đá ông được người dân ủng hộ bước lên vũ đài chính trị. Dù có cha là tổng thống Liberia nhưng Timothy Weah lại sinh ra và lớn lên ở Mỹ, anh đã chọn khoác áo đội tuyển Mỹ.
Đội tuyển Morocco đã làm rạng danh bóng đá châu Phi. Ảnh: Internet |
Cú kích cầu cho châu Á
Đến giờ phút này, cả thế giới đều bày tỏ sự hâm mộ nước chủ nhà Qatar. Dường như không có bất cứ một sự cố nào đáng tiếc xảy ra. Chính phủ lẫn người dân Qatar đã chứng minh họ bỏ ra 220 tỷ đô la không phải để kích cầu cho đội tuyển bóng đá quốc gia. Thành tựu vĩ đại hơn đấy là hình ảnh đất nước, năng lực tổ chức các sự kiện tầm vóc quốc tế.
Chính việc World Cup được tổ chức ở châu Á đã truyền cảm hứng lên các gương mặt tham dự. Không phải ngẫu nhiên mà Saudia Arabia đã có chiến thắng trước Argentina, Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha và Đức, Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha, Úc thắng Đan Mạch…Việc có đến 3 đại diện lọt vào đến vòng 1/8 khiến cho cả châu Á ngây ngất.
Tuy nhiên, sau khi sạch bóng châu Á ở vòng tứ kết, một lần nữa người hâm mộ châu lục buộc phải đối diện thực tại: sứ mệnh hòa nhập, bắt kịp đẳng cấp bóng đá châu Âu, Nam Mỹ vẫn còn vô cùng nhọc nhằn với cầu thủ da vàng. Hãy nhìn cách Hàn Quốc để Brazil vùi dập, hay các “Samurai xanh” cóng chân khi bước vào loạt “đấu súng” với Croatia, để chứng minh điều đó.
Nhưng dù sao, đây cũng là kỳ World Cup đáng nhớ với 11 đại diện bóng đá châu Á và châu Phi. Họ đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, cùng hướng đi đúng đắn để gieo hy vọng một ngày không xa sẽ thi đấu ngang ngửa với các anh hào thế giới tại đấu trường World Cup.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc