Multimedia Đọc Báo in

Đôi chân diệu kỳ

08:34, 14/05/2023

Sự kiện “nữ hoàng” điền kinh Nguyễn Thị Oanh bất chấp nghịch cảnh mà ban tổ chức đưa ra, giành hai Huy chương Vàng (HCV) trong 30 phút khốc liệt khi chỉ kịp uống một cốc nước, vẫn chưa bão hòa niềm tự hào, hạnh phúc và cả nỗi ấm ức trong lòng khán giả Việt Nam.

Cú “trở kèo” chấn động

Trước đó, Nguyễn Thị Oanh đã đoạt HCV ở nội dung 5.000 m. Khi chứng kiến Oanh thi đấu hai nội dung 1.500 m và 3.000 m vượt rào cản chỉ cách nhau 30 phút, không ai chấp nhận nổi sự sắp xếp của ban tổ chức điền kinh tại SEA Games 32. Câu chuyện đổi lịch phi lý như thế này là chưa có tiền lệ, là cách xử lý tùy tiện. Tại sao họ đưa nội dung thi đấu 1.500 m từ ngày 11/5 lên ngày 9/5, trong khi ngày 10/5 không có nội dung nào? Hai vận động viên Philippines cạnh tranh với Oanh ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật được nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi vào thi, vì không phải chạy 1.500 m. Việc đổi lịch rõ ràng là hành động o ép vận động viên Việt Nam.

Nguyễn Thị Oanh là vận động viên xuất sắc của điền kinh Việt Nam.

Cộng đồng mạng ngay lập tức phản ứng với sự kiện này, vừa bức xúc với ban tổ chức vừa thể hiện sự thán phục với vận động viên. Ở cự ly 1.500 m, bình luận viên của Đài Truyền hình Việt Nam đã bình một câu rất hay khi thấy Nguyễn Thị Oanh bỏ quá xa các đối thủ: “Oanh chạy theo kiểu xong sớm để nghỉ sớm”. Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin: "Vận động viên Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng trong nửa giờ", trong bài viết đã bình luận: "Một vận động viên ngôi sao của Việt Nam đã giành chiến thắng ở nội dung 1.500 m nữ và 3.000 m vượt chướng ngại vật trong vòng nửa giờ đồng hồ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á hôm thứ ba, trong một màn thể hiện oai hùng về sự thống trị đường đua khu vực".

Đúng vậy, sự chói sáng của Nguyễn Thị Oanh càng điểm tô cho vẻ đẹp của thể thao cũng như đẳng cấp của “cô bé vàng”.

Thông điệp của chiến thắng

Nguyễn Thị Oanh mơ ước trở thành vận động viên điền kinh từ năm 9 tuổi khi chứng kiến chị ruột mình tham gia một cuộc thi đấu. 15 tuổi, Oanh bắt đầu theo đuổi con đường trở thành vận động viên điền kinh chuyên nghiệp khi cô từ biệt gia đình vào tập luyện ở Trường Năng khiếu thể dục thể thao Bắc Giang. Từ đây, cô gái có thân hình nhỏ nhắn bắt đầu những tháng ngày miệt mài xỏ giày vào chân, đổ mồ hôi trên sân tập bất kể thời tiết nắng mưa. Tố chất bẩm sinh được "đo ni đóng giày" cho điền kinh cộng với những ngày tháng xa gia đình biền biệt, khổ luyện không ngừng nghỉ đã giúp Oanh thu về "trái ngọt" khi cô liên tiếp giành huy chương ở các giải điền kinh trong nước và khu vực mà chúng ta đã biết từ nhiều năm qua.

Năm 2012, Nguyễn Thị Oanh lần đầu được tập trung đội tuyển điền kinh Việt Nam. SEA Games 27 năm 2013 là đại hội đầu tiên Oanh tham dự và vận động viên này đã giành Huy chương Bạc nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ. SEA Games 28 năm 2015, Oanh không tham dự vì vấn đề sức khỏe, tưởng chừng như đã phải chia tay sự nghiệp. SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia, Nguyễn Thị Oanh lần đầu giành HCV cá nhân tại một kỳ đại hội thể thao khu vực. Khi ấy, cô gái "ốc tiêu" lập cú đúp vô địch nội dung 1.500 m và 5.000 m nữ.

Tới SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines, Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng rực rỡ khi giành 3 HCV nội dung 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m chướng ngại vật. Kết quả trên tiếp tục được bảo vệ thành công tại SEA Games 31 ở Việt Nam vào năm 2022.

Đáng chú ý, đây là kỳ SEA Games thứ tư liên tiếp mà Oanh giành cả hai HCV 1.500 m và 5.000 m. Còn ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật dành cho nữ, chủ nhân tấm HCV vẫn luôn là Nguyễn Thị Oanh.

Cảm ơn Nguyễn Thị Oanh, cô gái bé nhỏ đã truyền cảm hứng cho nhiều người về triết lý: đường chạy cũng như đường đời, chiến thắng luôn dành cho những người dám đương đầu với mọi nghịch cảnh.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.