“Tiếp lửa” cho V.League
V.League 2023 - 2024 đã trở lại và hứa hẹn sẽ mang đến bức tranh đầy sôi động cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Giải đấu được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tốt cho đội tuyển Việt Nam với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024.
Quãng nghỉ dài vừa qua đã chứng kiến những biến động trên băng ghế huấn luyện ở nhiều đội bóng. Huấn luyện viên (HLV) Kiatisuk rời Pleiku ngược ra đất Bắc để dẫn dắt Công An Hà Nội, nhường chỗ ở LPBank Hoàng Anh Gia Lai cho ông Vũ Tiến Thành. Trong khi đó, cả Thể Công Viettel cùng Hà Nội FC cũng đều thay tướng. HLV Nguyễn Đức Thắng nhận lời cầm quân Thể Công Viettel còn ông Daiki Iwamasa, người Nhật, ngồi vào ghế thuyền trưởng ở Hà Nội FC.
Từ những động thái thay vị trí cầm quân “chóng mặt” của Hà Nội FC, Thể Công Viettel, Công An Hà Nội, có thể nói áp lực thành tích rất nặng đối với các đội bóng lẫn các tân HLV. Cả ba đội bóng thủ đô đều có trong tay lực lượng hùng hậu nhưng thành tích cho đến lúc này ở mùa giải không như mong đợi. Vì thế, họ đã có những “dịch chuyển” liên tục ở vị trí HLV trưởng thời gian qua nhưng rồi mọi thứ vẫn chưa theo đúng quỹ đạo tốt nhất.
Chất lượng của V.League được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tốt cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VPF |
Được kỳ vọng vực dậy Thể Công Viettel nhưng HLV Nguyễn Đức Thắng cũng chỉ có được 1 điểm ít ỏi trước đội bóng yếu Khánh Hòa. Có vẻ, thời gian hơn 1,5 tháng chưa đủ để HLV Nguyễn Đức Thắng truyền tải tinh thần chiến đấu cho học trò. Người hâm mộ cho rằng nhạc trưởng Hoàng Đức chơi dưới sức, nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”. HLV Nguyễn Đức Thắng hiểu rõ sức mạnh của đội bóng mình cầm quân nằm ở tính tập thể. Do vậy, để Thể Công Viettel trỗi dậy kịp thời thì những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đức Chiến, Khuất Văn Khang, Nhâm Mạnh Dũng, Phan Tuấn Tài phải nhanh chóng tìm lại phong độ vốn có.
Tương tự, ở Hà Nội FC, HLV người Nhật Iwamasa cũng chưa có khởi đầu thuận lợi. Sự mờ nhạt của đội trưởng Nguyễn Văn Quyết không phải là tất cả nguyên nhân khiến Hà Nội FC thua Thanh Hóa sau 5 năm. “Cỗ máy” Hà Nội FC đã xộc xệch khi phải chia tay rất nhiều trụ cột thời gian qua như Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh hay Quang Hải. Rồi bây giờ, những Văn Quyết, Hùng Dũng cũng đã luống tuổi, khó giữ phong độ đỉnh cao của mình. Với Hà Nội FC, không còn cách nào khác, họ đang trông chờ những Vũ Tiến Long, Văn Tùng, Văn Trường sẽ “chín” nhanh nhất để chia lửa cho đàn anh. Và HLV Iwamasa cần thêm thời gian để kết nối, vận hành cỗ máy một cách trơn tru nhất.
Có thể thấy, ghế HLV trưởng tại V.League đầy trắc trở, không ít vị HLV ra đi chỉ sau “vài nốt nhạc”. Đến nay đã có tổng cộng 8 HLV chia tay giữa dòng (nhưng dường như con số này vẫn chưa dừng lại) dù mùa giải mới đi qua chưa được 1/3 chặng đường. Nhìn từ đó, sẽ thấy V.League khốc liệt cả “đỉnh” và “đáy”. Ở đó có những cuộc chiến cam go cho đường đua vô địch lẫn cuộc chiến trụ hạng.
Qua mỗi vòng đấu đều tạo ra những “rung lắc” dữ dội ở mỗi đội bóng dù họ đang theo đuổi mục tiêu nào đi nữa. Như thế, có thể hiểu rằng, V.League đã dần được được nâng chất với những so kè quyết liệt. Có phải đó là tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam, bởi các giải đấu trong nước sẽ gầy dựng được nền tảng tốt cho đội tuyển quốc gia. Rõ ràng, với bất cứ nền bóng đá nào, hệ thống giải chuyên nghiệp luôn là nền tảng, bệ phóng, cần phải được củng cố vững chắc. Chúng ta đều biết, để có một đội tuyển quốc gia mạnh thì cái "xương sống" của nền bóng đá, tức giải Vô địch quốc gia, phải có chất lượng.
Sau quãng thời gian thành công, bóng đá nước nhà đã đối diện với những “đứt gãy” trên nhiều phương diện ở chu kỳ mới. Vì thế, rất cần một V.League được vận hành với cách làm bóng đá “thật” ở mỗi câu lạc bộ. Chăm bẵm cái gốc từ đào tạo trẻ cần được quan tâm, bởi như thế các đội bóng sẽ luôn tồn tại, dù trước mắt có thể không đạt thành tích cao.
Tóm lại, tất cả dứt khoát phải thay đổi sâu sắc hơn về tư duy và hành động. Thay đổi để không chỉ nâng tầm giải đấu, mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Bởi V.League chính là “bệ phóng" của các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc