Thể thao học đường trong chiến lược đổi mới giáo dục
Trong một hội nghị gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi ý cho ngành giáo dục việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên hay họa sĩ giỏi trực tiếp đứng lớp giảng cho học sinh. Gợi ý này mở ra một hướng đi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học.
1. Trong xu thế đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, thể thao học đường đang dần khẳng định vai trò quan trọng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, thể thao học đường đã triển khai từ lâu và phát huy hiệu quả rất tốt, là cái nôi sản sinh nhiều vận động viên tài năng. Vì vậy, với ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay, những định hướng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ như "kim chỉ nam" để thực hiện trong tương lai.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: "Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam". Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức mà còn cần phát triển toàn diện con người. Để xây dựng nền giáo dục hạnh phúc, thể thao học đường là một thành tố quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện “Đức - Trí - Thể - Mỹ” cho học sinh, sinh viên.
Trong quá trình đổi mới giáo dục, việc gắn kết thể thao với chương trình giảng dạy chính khóa là bước tiến quan trọng. Thể thao học đường không chỉ tạo ra môi trường học tập năng động mà còn trở thành công cụ nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tham gia các hoạt động thể thao giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức bền và ý chí vượt khó, đồng thời phát triển những kỹ năng mềm như tinh thần đồng đội, tính kỷ luật và khả năng làm việc nhóm. Luyện tập thể dục thể thao không chỉ đơn thuần là nâng cao sức khỏe mà còn giúp học sinh, sinh viên sống vui, sống khỏe, sống lành mạnh và hướng đến những giá trị "Chân - Thiện - Mỹ".
![]() |
Các vận động viên thi đấu tại Festival bóng đá học đường TP. Hồ Chí Minh. |
2. Những sân chơi thể thao học đường quy mô như Hội khỏe Phù Đổng hay giải chạy dành cho học sinh, sinh viên S-Race đã chứng minh tính hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh rèn luyện sức khỏe, đồng thời tạo sân chơi phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ.
Sự xuất hiện của học sinh, sinh viên Việt Nam tại các sân chơi như Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á hay các giải đấu thể thao học đường mang tầm khu vực, quốc tế là bước tiến đưa giáo dục Việt Nam tiệm cận với những nền giáo dục hàng đầu, hướng đến sự hiện đại, sáng tạo và hội nhập toàn diện thông qua hoạt động giao lưu, học hỏi, thi đấu.
Thể thao học đường không còn là phần bổ trợ, mà đã trở thành một yếu tố cốt lõi trong chiến lược đổi mới giáo dục. Từ việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, phát triển các kỹ năng mềm, đến tạo điều kiện hội nhập quốc tế, thể thao học đường đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện và hiện đại.
Từ những tiết học khô cứng đang đối mặt với áp lực đổi mới, cánh cửa giáo dục đang dần mở ra để tiếp nhận nghệ thuật, sáng tạo, năng khiếu và sự đồng hành của toàn xã hội trên bục giảng. Giáo dục phải “mở”. Mở về thời gian khi trẻ em được học hai buổi. Mở về nội dung khi tiếp cận thêm kỹ năng sống. Mở về nguồn lực, khi được học với ca sĩ, họa sĩ, vận động viên. Mở về mục tiêu, để mỗi đứa trẻ đều biết phát triển năng lực và cảm xúc cá nhân.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư và phát triển các hoạt động thể thao dành cho học sinh, sinh viên, thể thao học đường đặt nền móng vững chắc cho một thế hệ trẻ khỏe mạnh, tự tin và bản lĩnh. Đây chính là bước đi quan trọng để nền giáo dục Việt Nam sẵn sàng tiến xa hơn trên hành trình hội nhập và phát triển toàn cầu.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc