Multimedia Đọc Báo in

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải chịu tránh nhiệm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công

17:08, 08/09/2021

Ngày 8-9, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm đẩy nhanh tiến độ công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có đại diện các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã tại các điểm cầu.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với vốn kế hoạch năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021, 8 tháng đầu năm đã giải ngân 225,5 tỷ đồng/605 tỷ đồng (tương đương 27,2%).

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản gần 5.179 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết để thực hiện các dự án thuộc ngân sách tỉnh quản lý hơn 3.745 tỷ đồng, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 900 tỷ đồng, tương đương 24,05% kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh giảm 16% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 9 chủ đầu tư giải ngân trên 35%, 26 đơn vị giải ngân dưới 30%, 6 đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; dự án khởi công mới đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; biến động giá vật liệu xây dựng nên một số dự án phải điều chỉnh quy mô, hợp đồng; nhiều nhà thầu hoạt động cầm chừng chờ vật giá ổn định làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa tích cực giải ngân, chờ làm thủ tục giải ngân một lần đối với những dự án có tổng mức đầu tư nhỏ; chậm tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm thủ tục thanh toán.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh kết luận hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh kết luận hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng đến thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thủ trưởng các cơ cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 25%, đặc biệt là các đơn vị chưa giải ngân được phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chịu tránh nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn của đơn vị mình; đến 30-9, đơn vị nào giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn Trung ương và bị thu hồi, cắt giảm vốn thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các đơn vị lập kế hoạch giải ngân vốn từng dự án cụ thể, nhất là những dự án trọng điểm, dự án lớn; Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu cho tỉnh thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý những chủ đầu tư chậm giải ngân hoặc gây khó khăn, cản trở cho công tác giải ngân. Đối với Bí thư các thị ủy, thành ủy, huyện ủy cần chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn, xử lý, thay thế những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.