Multimedia Đọc Báo in

Học sinh sinh viên được hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến

10:41, 05/04/2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Theo đó, điều kiện vay vốn là: học sinh sinh viên (HSSV) thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch COVID-19); không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.

Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên để mua thiết bị học tập trực tuyến. (Ảnh: Minh họa)
Ảnh minh họa

Mỗi HSSV được vay tối đa 10 triệu đồng trong thời hạn tối đa 36 tháng; lãi suất cho vay 1,2%/năm. Vốn vay dùng để mua thiết bị, máy tính đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, các thiết bị ghi hình kỹ thuật số (webcam), thiết bị thu thanh (microphone).

Đại diện hộ gia đình của HSSV là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp đối tượng đã đủ 18 tuổi được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

Việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội theo hợp đồng ủy thác hoặc trực tiếp cho vay đến người vay. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 4/4/2022.

Thanh Minh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.