Multimedia Đọc Báo in

UBND huyện M’Drắk đối thoại với các hộ dân thuộc Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng

11:29, 17/03/2023

Sáng 16/3, UBND huyện M'Drắk tổ chức đối thoại với các hộ dân ở thôn 9, 10 và 11 (xã Cư San) về chấp hành quyết định thu hồi đất để thực hiện Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh); UBND huyện M’Drắk; UBND huyện Ea Kar. Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk, Trưởng Ban cưỡng chế chủ trì buổi đối thoại.

ảnh
Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk, Trưởng Ban cưỡng chế phát biểu tại buổi đối thoại.

Theo Ban cưỡng chế huyện M’Drắk, Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là dự án lớn đang đi vào giai đoạn nước rút và có quyết định chặn dòng vào cuối tháng 3/2023.

UBND huyện, UBND xã Cư San đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động 231 hộ dân buộc phải di dời trong tháng 3/2023 (đợt 1, giai đoạn 2) tự nguyện di dời sang Khu tái định cư số 2 (huyện Ea Kar).

Tính đến ngày 16/3/2023, có khoảng 100 hộ đã đồng ý di dời, trả lại mặt bằng cho dự án; còn hơn 130 hộ chưa đồng tình với việc bồi thường, hỗ trợ và có một số lý do khác nên chưa đồng ý di dời.

Do đó, UBND huyện tiếp tục tổ chức buổi đối thoại, vận động nhằm nghe ý kiến đại diện các hộ gia đình, cá nhân để tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ bà con di dời sớm, đáp ứng kịp tiến độ tích nước của dự án.

ảnh
Các hộ dân tham gia buổi đối thoại.

Tại buổi đối thoại, đại diện các hộ dân đã nêu lên nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề, như: kiểm đếm tài sản, khấu trừ tiền khi đến khu tái định cư, bổ sung nhân khẩu, trình tự thủ tục pháp lý về công khai phương án đền bù; vì sao một số hộ dân thôn 9, 10, 11 không được hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp; việc học tập của con em khi di dời có được bảo đảm khi đến nơi ở mới; xem xét lại thời gian thực hiện cưỡng chế để người dân có thời gian chuẩn bị…

ảnh
Người dân tham gia ý kiến tại buổi đối thoại.

Những ý kiến của các hộ dân nêu lên tại buổi đối thoại đã được đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan ghi nhận, giải đáp. UBND huyện M’Drắk đề nghị Ban tỉnh, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tiếp tục rà soát lại những ý kiến liên quan đến quyền lợi của người dân chưa được trả lời, hoặc chưa được giải quyết để tiếp tục trả lời cho người dân.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Thảo nhấn mạnh: Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho vùng khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Sau khi công trình đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước tưới cho gần 15.000 ha đất nông nghiệp; tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho 9.620 hộ trong vùng hưởng lợi. Chính vì vậy, rất mong bà con chấp hành chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về việc di dân.

ảnh
Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh trả lời ý kiến người dân.

Việc di dời, trả lại mặt bằng để thực hiện dự án là cấp bách và phải di dời về khu tái định cư trước ngày 31/3/2023 (đối với những hộ đã nhận quyết định cưỡng của UBND huyện nhưng đến nay vẫn chưa chấp hành). UBND huyện đã thành lập các tổ và phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ bốc dỡ, vận chuyển giúp dân sang khu tái định cư. Tại các khu tái định cư đã bố trí đầy đủ về kết cấu hạ tầng để đón tiếp dân, đáp ứng điều kiện học hành cho con em khi chuyển tới đây...

Đề nghị UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức đoàn thể trong thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện di dời. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn nêu trên mà các hộ dân vẫn không chấp hành thì UBND huyện sẽ tiến hành cưỡng chế theo luật định.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.