Multimedia Đọc Báo in

Tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC theo hướng lấy người dân làm trung tâm

13:58, 25/04/2023

Sáng 25/4, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hoàng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại UBND tỉnh nhằm khảo sát, hướng dẫn hỗ trợ triển khai các nội dung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, triển khai thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/8/2021 UBND tỉnh Đắk Lắk đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về cải cách hành chính, cải cách TTHC.

Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.

Tính đến ngày 31/3/2023, số lượng TTHC đã được UBND tỉnh công bố chuẩn hóa trên địa bàn tỉnh là 1.572 TTHC, ban hành 165 Quyết định công bố danh mục TTHC trên địa bàn tỉnh; trong đó cấp tỉnh là 1.269 TTHC (5 thủ tục đặc thù), cấp huyện 212 TTHC (18 thủ tục đặc thù) và cấp xã 91 TTHC. 100% thủ tục hành chính được thực hiện tiếp nhận theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, danh mục TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp, tỉnh có 62 TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông giữa các cấp chính quyền.

Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã kết nối với nền tảng thanh toán tập trung trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đã triển khai mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hiện nay tỉnh đã cập nhật 1.572 TTHC giải quyết trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bùi Hồng Quý đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bùi Hồng Quý đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 95,6%. Số lượng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cấp là 7.146 (gồm 6.132 cá nhân, 1.014 tổ chức). Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh bảo đảm kết nối từ Trung ương đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh…

Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị, Đoàn công tác đánh giá: việc công bố một số TTHC còn chậm so với quy định; chưa kịp thời cập nhật, sửa đổi quy trình nội bộ, quy trình điện tử nên cán bộ vẫn giải quyết theo quy định cũ, hoặc không đúng quy định pháp luật; số liệu thống kê dịch vụ công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh chưa khớp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống; thực hiện sai quy định, yêu cầu thêm hồ sơ, phát sinh thêm thủ tục hành chính. Tỷ lệ số hóa tại Bộ phận một cửa thấp khoảng 1,4%. 

Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hoàng đánh giá tình hình thực hiện giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.
Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hoàng đánh giá tình hình thực hiện giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh còn đơn giản, thiếu nhiều chức năng. Dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ làm giấy sang điện tử; chưa gắn với tái cấu trúc quy trình để đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện trên môi trường điện tử. Số lượng hồ sơ trực tuyến chủ yếu do cán bộ công chức làm hộ người dân, doanh nghiệp; điều này là không thực chất, tạo áp lực cho cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, chức năng thanh toán trực tuyến chưa đầy đủ và chưa thực hiện được trên thực tế; cán bộ công chức phải nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm. Một số nhiệm vụ triển khai Đề án 06 chưa hiệu quả hoặc chưa hoàn thành như: chưa ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến đề khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; vẫn còn yêu cầu công dân cung cấp bản photo sổ hộ khẩu giấy…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đoàn công tác cũng nêu lên một số kiến nghị, đề xuất như: Hoàn thiện Quy chế tiếp nhận giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa và Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm các quy định trong giải quyết TTHC, kiểm tra, xử lý các trường hợp làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ không đúng quy định; hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu số hóa, an toàn an ninh thông tin.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ TTHC đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần; tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dân làm trung tâm; thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, hiệu quả tránh việc hình thức, chạy theo chỉ tiêu gây áp lực cho cán bộ, công chức mà lại không tăng cường kỹ năng số thực sự cho người dân; gắn trách nhiệm số hóa với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận giải quyết TTHC của tất cả các cán bộ, công chức; thực hiện việc đồng bộ, chia sẻ dữ liệu đầy đủ, kịp thời giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với cổng dịch vụ công Quốc gia…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh ghi nhận những tồn tại, hạn chế mà đoàn công tác đã chỉ ra trong quá trình khảo sát thực tế công tác giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo, xây dựng giải pháp khắc phục kịp thời và kiến nghị với Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, thống nhất trong điều hành, đồng bộ kết nối dữ liệu, tích hợp các phần mềm, chuẩn hóa theo yêu cầu Chính phủ đề ra.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.