Ký ức về một thời gian khó!
Thời điểm sau ngày đất nước thống nhất, cùng với những người đi kinh tế mới, gia đình tôi từ Đà Nẵng chuyển lên Đắk Lắk lập nghiệp.
Thời gian đầu, gia đình tôi phải ở nhờ tại trang trại cà phê của người cô ở cuối đường Thủ Khoa Huân hiện nay để làm rẫy, trồng rau xanh.
Nhưng rồi, với chủ trương quốc hữu hóa kinh tế tư nhân của Đảng, Nhà nước, vào khoảng năm 1977, trang trại cà phê của người cô và nhiều trang trại khác xung quanh phải sung công, trực thuộc Nông trường Cà phê 11/3. Sau một thời gian lận đận, ba mẹ tôi được nhận vào làm công nhân của Nông trường Cà phê 11/3.
Dù làm công nhân, hằng tháng lãnh lương, lương thực như bao người khác, nhưng đông con nên việc cả nhà thiếu thốn, đứt bữa diễn ra thường xuyên. Tôi còn nhớ, thời đó cái gì cũng thiếu, bữa nào cũng cơm độn sắn, độn khoai lang, chỉ đến dịp Tết may ra mới được vài bữa cơm trắng, hay vài đòn bánh tét.
Tháp đặt còi hụ của “Nhà đèn Ban Mê” trên tuyến đường Lê Duẩn - Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Bảo Hưng |
Đến giờ tôi vẫn nhớ như in khung cảnh thị xã Buôn Ma Thuột những năm đầu sau giải phóng còn ngổn ngang lắm, gọi là đô thị trung tâm cao nguyên nhưng chẳng khác gì một thị trấn hẻo lánh, đường sá chủ yếu là đường đất, đường mòn, nhà cửa, phố xá lụp xụp. Lúc bấy giờ, đường Phan Bội Châu là một con đường đất, mùa nắng thì bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội, hằng ngày anh chị em tôi ra phố đi học là cả một đoạn trường gian nan. Đường Y Jút lúc đó được xem là phố trung tâm buôn bán của thị xã, gọi là sầm uất nhất nhưng thực tế nhà cửa cũng lụp xụp, tạm bợ. Thời bao cấp khi ấy, người dân muốn ăn sáng, uống ly cà phê, mua que kem… đều phải vào các cửa hàng quốc doanh.
Tôi còn nhớ ở góc đường Điện Biên Phủ - Phan Bội Châu nơi có Đình Lạc Giao tọa lạc, lúc đó là khu vực chợ tự phát, người dân đem đủ thứ nông sản, rau xanh tự sản xuất ra đó để trao đổi, mua bán, rồi mua lương thực, thực phẩm. Cũng từ chợ tự phát này nên suốt hàng chục năm trời, đường Điện Biên Phủ luôn là tuyến đường bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán cả lòng đường và vỉa hè. Kể ra chuyện này mới thấy, sau khi chợ Buôn Ma Thuột được xây dựng mới, khang trang, bao quanh cả mấy tuyến đường như hiện nay thì phải nói là khác “một trời một vực”.
Ngày đó, vào những dịp Tết, xóm nghèo chúng tôi “hơn thua” nhau đôi dép Thái Lan. Đôi dép như là một tài sản có giá trị, thể hiện sự hơn người mà nhà nào cũng cố cho bằng được. Đôi dép có mấy loại màu xanh, đỏ, vàng, có in dập hình ngôi sao, mặt trăng nhỏ, mang rất bền. Người chưa có nhìn người có, rồi ước ao thèm muốn. Thanh niên đi làm thuê làm mướn, cố gom góp đủ tiền tậu đôi dép. Mấy anh em tôi cũng quyết mua cho được mỗi đứa một đôi. Thậm chí, sợ mòn dép, chúng tôi còn ra tiệm dán một lớp săm ô tô vào đế dép để đi cho được lâu.
Tôi nghiệm lại rằng, nhớ tuổi thơ nghèo khó nhưng chưa bao giờ than khổ, vì hiểu rằng đó là tình trạng chung của đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh. Điều mà tôi luôn cảm nhận được rằng, từ trong gian khó rồi vươn lên được, càng làm cho mình vững vàng, bản lĩnh hơn và đồng cảm với bao cảnh đời còn nghèo khó xung quanh mình.
Nhìn lại những ngày gian khó hôm qua, lại càng thấy trân trọng những nỗ lực để Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột và nhiều vùng khác trong cả nước có sự phát triển như ngày nay. Cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều gia đình, trong đó có gia đình tôi cũng có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực tự vươn lên của mỗi gia đình thì phần lớn nhờ vào đường lối đổi mới mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc