Thành phố những ngày cách ly...
Đã gần 3 tuần TP. Buôn Ma Thuột thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng từ đó đến nay, phố núi sôi động trở nên tĩnh lặng hơn so với nhịp sống hối hả thường ngày.
Những con đường thênh thang vốn tấp nập người xe, nay trải dài trống vắng bởi mọi người chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Các khu chợ vốn nhộn nhịp người bán kẻ mua, nay thu mình từng gian hàng, khách hàng trật tự trình thẻ theo ngày, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi mua sắm. Những tuyến phố đêm lung linh sắc màu, rộn rã âm thanh thu hút bước chân bao người, nhất là giới trẻ, nay cũng im lìm vắng vẻ...
Tuyến đường Y Ngông vắng người qua lại trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh chụp ngày 9-8. |
Dù sao, dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp diễn, dòng chảy chỉ điều chỉnh để thích ứng với tinh hình. Đa phần người dân thành phố đều ý thức rõ sự nguy hiểm của COVID-19 và thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày bằng cách “nhà nào ở yên nhà đó”. Thay vì tụ tập, gặp mặt, mọi người quan tâm, hỏi han nhau bằng những tin nhắn, cuộc gọi hằng ngày. Để hạn chế ra ngoài, họ cài đặt ứng dụng, chia sẻ các địa chỉ bán hàng online có ship tận nhà an toàn, nhanh chóng. Và dẫu rất muốn quan tâm như lệ thường, nhưng nhiều gia đình trong xóm nhỏ chọn cách san sẻ lương thực, thực phẩm bằng hình thức treo trước cổng nhà bên rồi gọi vọng người ra lấy… Hơn ai hết, từ ngày giãn cách xã hội, người dân càng hiểu được rằng khi chưa thể làm được gì lớn lao, thì việc tuân thủ quy định 5K và lan tỏa năng lượng tích cực là liều thuốc tinh thần cần thiết hơn cả.
Khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, TP.Buôn Ma Thuột tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm 7 ngày, thay vì than phiền, bức bối, người dân chủ động thích nghi với việc cách ly xã hội để cắt đứt sự lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Nhiều người tìm niềm vui trong chính không gian nhỏ của gia đình mà vốn dĩ bấy lâu cuộc sống xô bồ đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Nhiều hàng quán đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Ảnh chụp ngày 9-8. |
Sáng. Ánh ban mai bừng lên trước ngõ. Lũ chim sẻ không biết từ đâu kéo về, ríu rít ở khoảng sân nhà. Tưởng là khoảng lạ bất ngờ thoáng qua, nhưng dường như đã thành nếp quen cũ. Thanh âm trong trẻo ấy cứ nối dài mỗi ngày, chỉ là do ta quá mải mê với cơm áo gạo tiền rồi vô tình không nhận ra sự hiện diện bấy lâu của chúng...
Được ở nhà đã là điều hạnh phúc – nhiều người suy nghĩ theo hướng tích cực, để vòng quay cuộc sống của mình diễn ra chậm và ấm áp hơn. Tiếng bát đũa, nồi niêu leng keng mỗi ngày, cả bố mẹ và con cái cùng lên thực đơn, tham gia nấu nướng, dọn dẹp. Thời gian bên con trẻ cũng dày dặn, chất lượng hơn thông qua những câu chuyện cổ tích, các trò chơi để con khám phá thêm những điều mới mẻ, hấp dẫn xung quanh mình.
Các cơ quan, đơn vị chuẩn bị hàng thực hiện "Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh. |
Cách ly xã hội không làm vơi đi nghĩa tình người dân phố núi dành cho nhau. Người cặm cụi làm kính chắn giọt bắn ủng hộ lên tuyến đầu; người chung tay hỗ trợ vật tư, tiền mặt cho công tác phòng chống dịch; người đóng góp ít gạo, trái cây, mớ rau củ quả nhà trồng…cho các khu cách ly, phong tỏa. Nhiều “Siêu thị/gian hàng 0 đồng” của các cơ quan, đơn vị đã có mặt kịp thời nhằm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cứ thế, giữa những con phố tĩnh lặng, vẫn bừng lên những câu chuyện tình người đã, đang được kết nối và lan tỏa.
Dịch bệnh chia cách sự sum vầy, tụ họp của nhiều gia đình. Hơn một tháng, nhiều bác sĩ chưa rời bệnh viện với số ca bệnh chưa có dấu hiệu dừng; nhiều chiến sĩ công an chưa được về thăm nhà, mọi việc nhỏ lớn trong nhà, cho đến con ốm đau cũng chỉ mình vợ đảm trách, thức trắng. Cũng bởi đại dịch, có quân nhân xa nhà, xa đứa con bé bỏng khi mới tập lật, đến nay đã chập chững đi nhưng vẫn chưa được gặp lại bố… Quay quắt trong hai đầu nỗi nhớ, họ vẫn tự an ủi rằng cuộc sống mình còn may mắn hơn so với nhiều người và vững tin hết dịch sẽ đoàn tụ...
Đã gần 3 tuần thành phố bước sang trạng thái mới cùng tinh thần, ý thức cao của cộng đồng. Ai cũng hy vọng rằng, khi mỗi gia đình là một pháo đài phòng dịch thì sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, sớm được trở về cuộc sống bình thường mà quý giá.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc