Multimedia Đọc Báo in

Đi chợ mùa dịch…

17:28, 10/09/2021

Kể từ ngày TP. Buôn Ma Thuột thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhịp sống của người dân trên địa bàn dần thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Đi chợ mùa giãn cách cũng vậy, không thoải mái, dễ chịu như thường ngày, nhưng việc siết chặt quản lý giúp người dân yên tâm hơn giữa tình hình phức tạp.

Không còn quá xa lạ, nghe tiếng tổ trưởng tổ dân phố gọi vọng từ cửa nhà bên là có thể đoán được gia đình chuẩn bị nhận phiếu đi chợ. Cấp phiếu không ít lần, nhưng bác vẫn trách nhiệm, căn dặn kỹ càng trước khi di chuyển qua những hộ kế tiếp.

Lên thực đơn cho cả tuần, đại diện gia đình loáy hoáy ghi đầy đủ thông tin rồi mang phiếu ra khu chợ khi trời vừa kịp sáng. Nơi đây vốn sầm uất, nhộn nhịp, nay ngay ngắn từng gian; người mua chậm rãi xếp hàng, trình giấy tờ và thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ trước cổng. Việc mua bán cũng không xồ bồ như lệ thường, người mua bịt nhiều lớp khẩu trang, còn người bán mang kính chắn giọt bắn, quây hàng bằng nilon nhằm hạn chế tiếp xúc gần nhất có thể.

Tuyến đường Mai Hắc Đế vắng người qua lại. Ảnh chụp ngày 8-9
Tuyến đường Mai Hắc Đế vắng người qua lại. Ảnh chụp ngày 8-9.

Trữ thức ăn cho cả tuần, hầu hết các loại thực phẩm đều được chọn mua, thu gói trong các bịch to, nhỏ chồng chéo. Cũng có khi đang vội vã chở đồ trên đường, người mua buộc phải dừng xe xuất trình phiếu, giấy tờ xác minh thông tin cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Bất chợt lúc ấy thèm lắm cảm giác được thoải mái đi trên đường, nhưng rồi dịu đi khi nghe tiếng cán bộ gửi lời "xin lỗi", "cám ơn", "chúc may mắn"…

Giữa mùa dịch, ngoài đi chợ bằng phiếu, người dân còn chuyển hướng lựa chọn linh động, phù hợp từng hoàn cảnh. Cài đặt ứng dụng để chọn hàng, gọi trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng, đi chợ hộ, mua hàng theo combo đồng giá… dần trở thành xu hướng. Cuộc gọi kết nối nhu yếu phẩm đến tận nhà có thể sẽ chậm hơn mong muốn rất nhiều, nhưng dần dà người dân đồng cảm với người bán, người giao hàng hơn là phán xét, trách móc, khó chịu.

Có rất nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn giữa đại dịch không thể sắm đủ đầy lương thực thực phẩm mỗi ngày. Chia sẻ với những gia đình này, các cấp ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai các kênh hỗ trợ thức thời, ấm áp. Nhiều siêu thị 0 đồng, gian hàng 0 đồng ra đời để người khó khăn có thể đi đến lựa chọn nhu yếu phẩm. Không những tổ chức cố định, nhiều gian hàng còn “di động” đến tận từng nhà để tặng lương thực, thực phẩm khi bà con cần nhất…

Người dân trình phiếu, rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua hàng tại chợ Tân Thành
Người dân trình phiếu, rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua hàng tại chợ Tân Thành.

Dịch bệnh gây muôn vàn khó khăn, nhưng cũng là phép thử để người dân chủ động, thích nghi trước mọi tình huống. Đi chợ mùa giãn cách cũng vậy, người mua, người bán có những cách trao đổi hàng hóa riêng, để đi đến mục đích chung là bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Ai cũng cố gắng một chút, ý thức một chút với mong muốn rằng, không lâu nữa, nhịp sống sẽ sớm quay lại bình thường mà quý giá.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.