Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nhiều hàng, quán vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19

19:14, 03/10/2021

Qua thanh tra, kiểm tra, Đội kiểm tra liên ngành trật tự, văn hóa – xã hội của thành phố phát hiện nhiều hàng, quán vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Nơi thực hiện nghiêm túc…

Nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ ngày 23-9, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại.

Trong đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (quán ăn, nhà hàng, cà phê…) được bán và phục vụ khách tại chỗ, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: không phục vụ quá 10 người trong cùng thời điểm; trường hợp cơ sở kinh doanh có không gian lớn (diện tích mặt bằng từ 150m2 trở lên) được phục vụ không quá 20 người tại cùng một thời điểm; không phục vụ khách trong phòng kín, không sử dụng điều hòa, phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các bàn là 2 mét; bố trí người đo thân nhiệt, sát khuẩn, có gắn biển mã QR phục vụ khai báo y tế điện tử; mở sổ nhật ký ghi chép lại danh sách họ và tên, địa chỉ, số điện thoại của từng khách hàng để theo dõi và phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; ký cam kết với UBND phường, xã về thực hiện đảm bảo các điều kiện và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đoàn kiểm tra của UBND TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại quán cà phê Hàn Thuyên.
Đoàn kiểm tra của UBND TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại quán cà phê Hàn Thuyên.

Tại phường Thống Nhất – một trong những khu vực trung tâm thành phố, sau khi có văn bản của UBND thành phố, UBND phường đã ban hành thông báo yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định, đồng thời, phát thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của phường.

Bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: “UBND phường đã tổ chức cho lực lượng chức năng đến từng hàng quán để tuyên truyền, hướng dẫn, ký cam kết thực hiện phòng chống dịch và hằng đêm cũng lập các tổ đi kiểm tra việc chấp hành của các hàng quán. Đồng thời phân công các thành viên của ban chỉ đạo phối hợp cùng tổ dân phố, thường xuyên giám sát, nắm bắt tình hình, phát hiện các hàng quán có hành vi vi phạm báo cáo về Ban chỉ đạo để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn phường chưa ghi nhận cơ sở nào vi phạm quy định phòng chống dịch”.

Tại thời điểm kiểm tra, quán Cà phê Hàn Thuyên phục vụ quá số người quy định.
Nhiều quán vẫn phục vụ quá số người quy định.

Tương tự, tại phường Thắng Lợi, công tác tuyên truyền để các hàng quán thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch khi mở cửa kinh doanh cũng được UBND phường đẩy mạnh trong những ngày qua, như ra quân tuyên truyền các hộ kinh doanh chấp hành quy định phòng chống dịch, tiến hành cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đảm bảo số lượng khách đúng quy định, khai báo y tế, lấy thông tin khách hàng đến quán, xịt khuẩn và thực hiện tốt thông điệp 5K...

Chỗ cố tình vi phạm

Từ ngày 1 đến ngày 3-10, Đội kiểm tra liên ngành trật tự, văn hóa – xã hội TP. Buôn Ma Thuột đã ra quân kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định tại một số nhà hàng, quán ăn, quán cà phê ở khu vực trung tâm thành phố. Qua kiểm tra tại hơn 10 cơ sở, hầu hết đều chưa chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch COVID-19, có 5 cơ sở đã bị lập biên bản xử lý vi phạm. Ghi nhận tại quán Bún đậu - Mắm tôm Cô Ba Sài Gòn (62 Trần Bình Trọng, phường Thành Công), tại thời điểm kiểm tra, quán đang có hơn 40 khách hàng, khoảng cách giữa các bàn không đủ 2 mét. Quán cũng không thực hiện gắn mã QR hoặc bản khai báo y tế, không có sổ ghi chép thông tin khách hàng. Anh T.Q.N., chủ cơ sở giãi bày: “Quán đã được phường đến tuyên truyền, nhắc nhở về thực hiện phòng chống dịch. Tuy nhiên khi đọc quy định về quán có diện tích 150m2 trở lên được đón 20 khách nên tôi nghĩ quán mình có diện tích rộng lại chia thành nhiều tầng nên mỗi tầng tôi tiếp nhận 20 khách.”.

Tại quán Nướng ngói Sài Gòn (203 Lý Thái Tổ, phường Tân An), đoàn kiểm tra cũng ghi nhận quán chưa thực hiện việc gắn mã QR để thực khách khai báo y tế và chưa có sổ ghi chép thông tin khách hàng, không có bàn đo thân nhiệt, khử khuẩn khi khách đến. Lý giải về sai phạm này, anh M.K.S., chủ quán cho rằng do mới mở cửa hoạt động, chưa được phường phổ biến cụ thể nên anh chưa nắm rõ quy định !

bbb
Đoàn kiểm tra lập biên bản một trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kiểm tra tại một loạt các quán cà phê nằm dọc trên đường Văn Tiến Dũng (phường Tân An) và đường Trần Hưng Đạo (phường Thắng Lợi) vào sáng 3-10, hầu hết các quán đều “3 không” – không khử khuẩn, không đo thân nhiệt, không khai báo y tế, trong đó nổi cộm là tình trạng tập trung đông người, phớt lờ quy định về số lượng khách tại cùng một thời điểm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng, qua một thời gian triển khai chủ trương của UBND thành phố về việc cho phép cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, công tác chấp hành của nhiều cơ sở chưa tốt.

Qua kiểm tra tại một số quán ăn, nhà hàng, rất nhiều cơ sở chấp hành không nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, tập trung quá số lượng khách theo quy định, không thực hiện khai báo y tế, không tiến hành khử khuẩn sau mỗi lần khách đến và rời đi. Điều này cho thấy sự chủ quan của một bộ phận nhân dân đối với tình hình dịch hiện nay. Công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch của một số xã phường chưa tốt, chưa tiến hành cho các cơ sở kinh doanh khi mở cửa hoạt động trở lại ký cam kết phòng chống dịch đối với chính quyền sở tại.

UBND thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên, liên tục đối với các cơ sở kinh doanh để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Đoàn Ngọc Thượng thông tin.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.