Cho những cánh rừng thêm xanh
Trước thực trạng nhiều cánh rừng bị suy giảm về đa dạng sinh học do tác động của con người, một số đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai trồng rừng thay thế, đưa lan rừng trở lại đại ngàn, từng bước làm giàu thêm cho những cánh rừng xanh, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Phủ xanh đất trống bằng rừng thay thế
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar), mô hình trồng rừng thay thế đã được triển khai bài bản nhiều năm qua. Việc trồng rừng được lên kế hoạch kỹ lưỡng từng năm, từ khảo sát đất đai, lập hồ sơ xin cấp phép. Đặc biệt, việc chọn giống cây rừng được chú trọng, ưu tiên các loài cây gỗ quý bản địa như: gáo vàng, cà te, trắc, hương... vốn từng hiện diện phổ biến trong hệ sinh thái rừng nơi đây.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc Khu BTTN Ea Sô chia sẻ: “Chúng tôi căn cứ vào điều kiện phân bố loài, đặc điểm sinh thái để lựa chọn giống cây phù hợp, bảo đảm khả năng sinh trưởng tốt trên đất rừng cũ. Không dễ để biến những bãi đất chỉ có cỏ tranh, cây bụi trở thành rừng xanh, nhưng nhờ sự kiên trì và chăm sóc bài bản, chúng tôi đã dần làm được".
![]() |
Cây rừng trồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phát triển xanh tốt. |
Sau 8 năm, Khu BTTN Ea Sô đã trồng được hơn 150 ha rừng. Những khu rừng non giờ đã lên xanh, nhiều cây cao vượt đầu người, tỏa bóng mát, tạo môi trường sống cho các loài động vật, thực vật quay trở lại. “Nhiều vùng đất trống cỏ tranh trước đây giờ đã thành rừng. Thành công này không chỉ tăng độ che phủ mà còn góp phần bảo tồn các loài cây quý và đa dạng sinh học khu vực”, ông Huỳnh Thanh Nhiên, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của Khu BTTN Ea Sô không giấu được niềm vui nói.
Cùng với trồng mới, công tác chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng cũng được đơn vị tổ chức chặt chẽ, bảo đảm sự phát triển ổn định của rừng non.
Đưa lan rừng trở lại đại ngàn
Không chỉ trồng cây gỗ, một mô hình độc đáo khác đang được triển khai tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk (huyện Lắk) đó là đưa lan rừng trở lại rừng tự nhiên. Đây là sáng kiến của ông Nguyễn Trương Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk với mong muốn phục hồi vẻ đẹp cho rừng sau nhiều năm lan rừng bị khai thác quá mức khiến giảm cả về số lượng lẫn chủng loại.
![]() |
Ông Nguyễn Trương Bình (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến đưa lan về trồng trong rừng tự nhiên. |
Theo ông Bình, trong những chuyến tuần tra rừng, chứng kiến lan rừng dần biến mất, ông và nhiều cán bộ công ty luôn đau đáu việc hồi sinh các loài lan rừng để làm đẹp cho những cánh rừng tự nhiên. Nghĩ là làm, ông và cán bộ, nhân viên bắt đầu biến ý tưởng thành hành động bằng việc mua một số giống lan rừng bán trên thị trường vào trồng trong rừng tự nhiên. Ban đầu, mô hình trồng lan trong rừng chỉ với sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, nhân viên trong công ty, dần dần đã lan tỏa ra cộng đồng. Nhiều người yêu lan từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã gửi tặng lan giống, đóng góp vào hành trình bảo tồn các loài lan rừng.
Để trồng được lan trong rừng tự nhiên là công việc hết sức vất vả. Cán bộ, nhiên viên của công ty phải gùi từng cây lan giống vượt hàng chục cây số đường rừng, vượt qua nhiều núi cao, vực sâu mới đến được khu vực vốn là nơi phân bố của lan rừng. Sau đó phải leo lên ngọn cây cao, buộc lan vào vị trí thuận lợi của các thân cây lớn để tạo thuận lợi cho chúng sinh trưởng, phát triển. Dù công việc vất vả, nguy hiểm nhưng ai cũng hào hứng. “Công việc không dễ, phải leo cao, trèo cây, chịu nắng, chịu kiến cắn, nhưng khi thấy lan bén rễ, ra hoa... thì tất cả mồ hôi nước mắt của anh em đều xứng đáng”, anh Cil Ha Bách, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk chia sẻ.
![]() |
Nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk leo lên những cây cao để trồng lan. |
Sau 3 năm, khoảng một tấn lan rừng với các giống như: kiếm, long tu, giả hạc đã được đưa trở lại rừng. Điều đáng mừng là nhiều cây lan không chỉ sống khỏe mà còn ra hoa, phát tán hạt giống và tự mọc cây con, báo hiệu sự tái sinh tự nhiên đang diễn ra...
Ông Nguyễn Trương Bình cho biết, nhiều cây lan đã bén rễ, phát triển mạnh mẽ không chỉ mang lại niềm vui cho chúng tôi mà còn cho thấy sự thành công trong việc khôi phục lại các loài lan rừng quý hiếm. Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động giống lan và mở rộng khu vực trồng lan. Cùng với đó sẽ huy động người dân vùng đệm đang nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị tham gia trồng lan, từ đó tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và tầm quan trọng của lan rừng trong việc duy trì đa dạng sinh học.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc