Sự tri ân dạt dào cảm xúc
Đêm nhạc Nguyễn Cường “Đến với Cao Nguyên” và biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” tri ân hành trình hơn 40 năm sáng tác tại Đắk Lắk của nhạc sĩ Nguyễn Cường diễn ra đúng dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2022) thật ấm cúng, xúc động, dạt dào cảm xúc.
Trái tim chạm đến trái tim
Phải nói rằng, những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Cường gắn liền với mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk, dù đã trải qua bao năm tháng, nhưng mỗi khi được cất lên đều khiến công chúng, người yêu nhạc rung cảm. Bởi ở đó mang đầy hơi thở mãnh liệt của núi rừng Tây Nguyên, cùng với việc sử dụng chất liệu dân ca Êđê, nhịp điệu sôi nổi tạo nên những nét đặc trưng riêng, cuốn hút khán giả ngay từ lần đầu được thưởng thức và mỗi khi nghe lại. Trong đó có thể kể đến các bài hát: "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột", "H’Zen lên rẫy", "Ly cà phê Ban Mê"," Xôn xang mênh mang cao nguyên", "Và ta đã thấy mặt trời"…
Không chỉ là âm nhạc, đêm nhạc còn là tiếng lòng của nhạc sĩ. Ông đã trải lòng mình và chia sẻ về những người bạn cũ, học trò cũ, đồng nghiệp cũ, về cái duyên gắn bó với Tây Nguyên, những chuyến đi thực tế sáng tác tại nơi đây có khi lên đến bảy tháng trời, và cả những câu chuyện đằng sau mỗi bài hát.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh, tặng quà nhạc sĩ Nguyễn Cường. |
Đơn cử như ca khúc “Xôn xang mênh mang cao nguyên”, lần đầu tiên, khi đến với Đắk Lắk, ông đã được cố NSND Y Moan hát cho nghe điệu dân ca Êđê, dạy cho ông điệu hát Ayray, K’ứt... Cái không khí mát lạnh, cái cảnh vật nơi đây đã khiến cho ông cất lên tiếng hát: “Mặt trời lên trên cao nguyên bao la/Đang dâng dâng lên tô hồng/Cho lòng ta ước muốn...”, nó đã trở thành lời bài hát.
Tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả dành cho nhạc sĩ Nguyễn Cường, cho những tâm sự và những nhạc phẩm của ông là sự minh chứng đủ đầy cho trái tim của người sáng tác đã thật sự chạm đến trái tim người nghe, thấu hiểu, sẻ chia và ý nghĩa.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
Đêm nhạc Nguyễn Cường “Đến với Cao Nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn” diễn ra vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, chính vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách được thưởng thức tác phẩm. Hàng nghìn khán giả, từ các cụ già cho đến các cô chú trung niên, thanh niên, trẻ em đã đến Bảo tàng Đắk Lắk từ rất sớm, chọn cho mình một chỗ ngồi và lặng im xem.
Dam Săn và H’Nhi trong vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn". |
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh H' Yim Kđoh.
|
Anh Nguyễn Hoàng Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) đã thốt lên rằng: "Giọng hát của các ca sĩ thật sự ấn tượng, họ biểu diễn chuyên nghiệp, tôi rất thích và sẽ giới thiệu bạn bè ủng hộ hơn nữa cho tỉnh nhà". Còn ông Alan Gander (du khách người Anh) chia sẻ: “Tôi vô cùng ấn tượng với màn biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn". Qua đây, tôi biết thêm nét văn hóa của các dân tộc bản địa”.
Cảm nhận về vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn", anh Nguyễn Văn Phước, một khán giả đến từ Vũng Tàu, lại tâm đắc và ấn tượng với hình ảnh nhân vật H’Nhi (vợ Dam Săn - PV), trong giây phút thiêng liêng đón ánh sáng về với buôn làng, gặp lại Dam Săn, cũng là lúc chàng ra đi mãi mãi, nàng đã cắn tay mình mong cứu Dam Săn và từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên, nơi miền đất bazan muôn đời hùng vĩ...
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì đêm nhạc Nguyễn Cường “Đến với Cao Nguyên” và biểu diễn ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa mới, giúp du khách có thêm trải nghiệm về đêm khi đến với Buôn Ma Thuột. Đồng thời, đây là cơ hội để công chúng tìm hiểu thêm về văn hóa của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, góp phần bảo tồn văn hóa của địa phương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc