Multimedia Đọc Báo in

Bun Khạu Pá Đắp Đin - Lễ Vu Lan của người Lào

08:44, 21/08/2022

Theo tục lệ bản mường của người Lào thì hằng năm có 12 lễ tiết và 14 luật ứng xử gọi là "Hít xịp xỏng, khong xịp xì". Trong số 12 lễ tiết ấy phải kể đến Bun Khạu Pá Đắp Đin - Lễ cúng cơm đặt trên mặt đất.

Đây là ngày lễ người Lào cúng cho người thân đã khuất cùng những cô hồn vãng lai. Lễ này tổ chức vào ngày 14/9 trăng khuyết theo lịch cổ truyền Lào, tức ứng với ngày 26/8 dương lịch, trùng vào ngày 29/7 âm lịch Trung Hoa.

Lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin bắt nguồn từ một sự tích nhà Phật liên quan đến chuyện cúng đồ ăn thức uống cho người đã khuất của vua Tần Bà Sa La (thuộc Ấn Độ cổ đại). Từ đó lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin được truyền đến nay ở các nước và những dân tộc theo Phật giáo Nam Tông như Thái, Lào, Miến Điện, Phu Thay, Khmer. "Khạu pạ đặp đin" tức là cơm (gói trong lá chuối) bày biện trên mặt đất. Bởi vì khi làm lễ, dân bản sẽ đem đồ tế gồm thức ăn đã nấu chín như cá, thịt, rau quả, bánh trái, nước ngọt, gói thuốc, miếng trầu... để trong lá chuối thành từng gói nhỏ và đem đặt ở dưới gốc cây to, ở ngã ba đường hẻm hoặc đặt dưới chân những tháp quanh chùa. Họ tin rằng đây là cách hồi hướng công đức đến không chỉ thân bằng quyến thuộc đã quá vãng mà còn làm phước cho tất cả chúng sinh đang đọa địa ngục, ngạ quỷ. Ngoài ra, những món đồ tế lễ này còn giúp các con vật bị đói khát quanh năm có dịp được ăn thỏa thích. Kinh điển Phật giáo Nam Tông ghi chép rằng đây là ngày mà Đức A La Hán Maha Mục Kiền Liên xuất thần xuống địa ngục cứu mẹ đang bị đọa đày bởi nghiệp báo. Những chúng sinh khác đang cùng đọa đày đói khát chốn địa ngục nhân dịp này cũng cầu xin ngài Mục Kiền Liên nhắn nhủ tới quyến thuộc trên dương thế hãy làm lễ hồi hướng công đức cho họ được siêu thoát, đồng thời khuyên nhủ người trên dương thế hãy từ bỏ ác nghiệp để tránh nghiệp báo về sau.

    Đồ cúng trong lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin.

Thực ra, lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin này chính là lễ hội Vu Lan hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân của người Kinh, tuy khác nhau về tên gọi và thời gian cũng như cách thức tiến hành nghi lễ nhưng về mặt ý nghĩa nhân văn lại tương đồng. Đó là dịp để những người con báo hiếu công ơn cha mẹ, tưởng nhớ đến những người thân, ông bà, tổ tiên đã khuất, cứu độ chúng sinh, chung tay giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa để vũ trụ bao la này tràn ngập tình yêu thương.

 Cộng đồng người Việt gốc Lào ở buôn Trí A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) hằng năm đến ngày lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin đều cùng nhau thực hiện. Theo truyền thống của Lào, ngày lễ này sẽ thực hiện vào ngày 14/9 lịch Lào, tức sẽ ứng với ngày 29/7 âm lịch Việt Nam. Nhưng điều thú vị là khi cộng đồng người Lào thiên di đến cộng cư với đồng bào các dân tộc Việt Nam, một số gia đình có sự kết hợp hôn nhân giữa người Lào và người Việt cũng chuyển ngày lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin sang thực hiện vào ngày rằm tháng 7, thay vì ngày 29/7 âm lịch. Những gia đình khác thì vẫn thực hiện cúng tế đúng thời gian quy định trong lịch truyền thống của người Lào.

Vì trong buôn Trí A không có chùa Nam Tông theo truyền thống của người Lào nên việc tổ chức lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin không có sư sãi hướng dẫn quy tụ về chốn thiền môn, song người Lào ở đây vẫn thực hiện một cách thành kính. Bà Mé Lỏm là một phụ nữ chừng hơn 60 tuổi rất khéo tay. Đồ cúng tế của bà không chỉ được gói bằng lá chuối mà bà còn dùng bẹ chuối làm hẳn cái khung hình tam giác có đáy và cẩn thận đặt tất cả vào trong đó, bên ngoài còn điểm xuyết thêm vài đóa hoa chăm pa. Trong mỗi gia đình, có bao nhiêu người đã khuất thì sẽ có bấy nhiêu phần cúng tế. Nếu không nhớ hết được thì họ sẽ đem cơm hoặc cháo, gạo, muối bỏ vào lá chuối để rải trên mặt đất. Tục lệ này cũng được người Kinh thực hiện qua tục nấu cháo rải trên lá đa nhờ gió mang đến với những cô hồn ngạ quỷ đang ngày đêm đói khát. Điểm khác biệt chính là người Lào cúng vào thời điểm tờ mờ sáng, trước lúc mặt trời mọc, còn người Kinh sẽ thực hiện cúng tế bất kỳ lúc nào trong ngày. Đó đều là lòng tri ân, sự hiếu hạnh của cháu con với tiên tổ sinh thành.

Bà Mé Lỏm tâm sự: "Mỗi năm làm lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin một lần vừa giữ được hồn quê và phong tục tập quán của dân tộc, vừa nuôi dưỡng lòng từ bi cho thế hệ con cháu người Lào biết ứng xử tốt đẹp không chỉ với người đang sống mà với cả những người đã khuất là tổ tiên, là đồng loại của mình". Cũng bởi lẽ đó mà ông bà, cha mẹ trong gia đình đều dẫn theo con cháu dậy sớm trước lúc mặt trời lên để mang đồ tế lễ ra cúng. Ai nấy đều nghĩ rằng thân bằng quyến thuộc của mình đang ngóng chờ trong cơn đói khát. Lúc ấy, những bậc trưởng bối bắt đầu thắp lên những ngọn nến và hương trầm giữa màn đêm còn bao phủ kèm theo lời khấn nguyện những người thuộc thế giới bên kia mau đến nhận lộc. Những người trẻ theo sau không ai bảo ai cũng tự nhiên chắp tay và thầm niệm:  Nguyện đem công đức này/Hướng về khắp tất cả/Thân bằng và quyến thuộc/Cho tất cả chúng sinh.../Đều nhận được phước lành/Sa thụ, sa thụ, sa thụ (Lành thay, lành thay, lành thay).

Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.