Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa
Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa được xem là một trong những cách thức nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ngay từ đầu năm, Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa một cách phù hợp, gắn với chương trình giáo dục hiện hành qua mô hình “Giờ học lịch sử” và “Giờ học di sản văn hóa”, ngay tại trường học và bảo tàng.
Trung tuần tháng 2 vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức chương trình “Giờ học lịch sử”, chủ đề “Trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975” tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột), với hình thức bài giảng điện tử và các hoạt động “đố vui để học”. Sau “Giờ học lịch sử” trên lớp, các học sinh tiếp tục học tại Bảo tàng Đắk Lắk. Tại đây, các em được xem sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột; trải nghiệm hoạt động “Em làm chiến sĩ”, gấp chăn, màn quân đội, điều lệnh đội ngũ và tham gia trò chơi “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, do các chiến sĩ của Lữ đoàn Đặc công 198 hỗ trợ. Giờ học tại bảo tàng đã giúp các em hiểu sâu hơn về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, về những khó khăn, gian khổ, những hy sinh to lớn để giành độc lập dân tộc của cha ông, nhân dân ta nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Chương trình “Giờ học lịch sử”, chủ đề “Trận đánh Buôn Ma Thuột 10/3/1975” được Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột). |
Em Sơn Thị Thanh Tú (lớp 8F) bày tỏ: “Giờ học lịch sử” không chỉ còn trên sách vở mà chúng em được thấy hình ảnh sinh động, rất dễ tiếp thu kiến thức. Không những vậy, buổi học tại bảo tàng đã giúp chúng em hiểu rõ và ghi nhớ hơn ý nghĩa của những dấu mốc, sự kiện, câu chuyện lịch sử, về quê hương nơi mình sinh ra, lớn lên…
Em Lê Cao Minh Giáp (lớp 8A) lại vô cùng xúc động khi được tìm hiểu kỹ về Chiến thắng Buôn Ma Thuột: “Các cô chú ở Bảo tàng Đắk Lắk truyền tải kiến thức, giải thích kỹ từng mốc lịch sử, sự kiện. Những hoạt động trải nghiệm giúp em và các bạn cảm thấy hứng thú và yêu thích học lịch sử”.
Ngoài ra, Bảo tàng Đắk Lắk cũng đã tổ chức “Giờ học di sản văn hóa” với chủ đề: “Nhà dài – kiến trúc văn hóa độc đáo của người Êđê”, “Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’nông ở Buôn Đôn". Những kiến thức này sát với kiến thức của chương trình giáo dục hiện hành. Hơn thế, còn gắn liền với lịch sử, di sản, văn hóa của địa phương và phù hợp với từng lứa tuổi.
Em Nguyễn Phục Nguyệt Hà (lớp 7B) cảm thấy rất thú vị với những kiến thức được tiếp thu tại tiết học. Những kiến thức này em đã được nghe qua, nhưng hôm nay mới được hiểu rõ hơn. Ví như sự thay đổi của những ngôi nhà; săn voi vốn là một nghề, nay cần phải bảo vệ loài voi nhà trước nguy cơ bị tuyệt chủng…
Trên thực tế, việc phối hợp với các trường học để giáo dục học sinh về truyền thống thông qua di sản văn hóa đã được Bảo tàng Đắk Lắk thực hiện nhiều năm qua, bằng nhiều phương thức và sáng tạo đổi mới như: đưa học sinh đến tham quan hoặc đưa các tư liệu, hình ảnh về di sản văn hóa đến giới thiệu tại các trường; dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ bảo tàng học sinh có thể làm bài thu hoạch và trình bày trước lớp, qua đó khuyến khích sự sáng tạo, tích cực chủ động học tập cũng như rèn luyện kỹ năng thuyết trình; hay tổ chức các buổi ngoại khóa, triển lãm lưu động để quảng bá, giới thiệu hệ thống các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cho học sinh trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu thông qua thuyết minh trực tiếp, xem phim tư liệu, nói chuyện chuyên đề...
Các em học sinh Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) học “Giờ học lịch sử” thông qua tham gia trò chơi “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” tại Bảo tàng Đắk Lắk. |
Trong năm 2022, Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức được 33 buổi học, thu hút gần 1.000 học sinh đến từ các trường tiểu học trong và ngoài tỉnh (học online) tham gia; đón gần 9.000 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên tham quan tại bảo tàng…
Hầu hết, các chương trình đều có phản hồi tốt từ thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. Các em thêm yêu thích lịch sử, truyền thống dân tộc; có nguyện vọng được đi tham quan tìm hiểu những "địa chỉ đỏ", những di tích lịch sử để trau dồi kiến thức cho bản thân, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Tuyền (Trưởng Phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Đắk Lắk), trong năm 2023, mỗi tháng Bảo tàng Đắk Lắk đều sẽ tổ chức chương trình “Giờ học lịch sử” và “Giờ học di sản văn hóa” ngay tại trường học và bảo tàng bằng nhiều phương pháp, phù hợp với văn hóa địa phương, cũng như điều kiện thực tế của các trường và mọi đối tượng học sinh, với những chủ đề đa dạng khác nhau.
Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; đồng thời góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các truyền thống và giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc