Rộn ràng mùa lễ hội
Tháng Ba, khi nắng vàng sánh như mật rót xuống cỏ cây, khi hoa cà phê bung nở trắng xóa như những bông tuyết giữa núi rừng, cũng là mùa bà con trên khắp buôn làng Tây Nguyên rộn ràng vào hội, với âm vang cồng chiêng tưng bừng đón chào du khách.
Năm nay, tháng Ba về trên cao nguyên Đắk Lắk với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, lễ hội mang dấu ấn đậm nét về văn hóa, vùng đất, con người Tây Nguyên, với chuỗi hoạt động độc đáo, đặc thù, thu hút đông đảo du khách thập phương tìm đến trải nghiệm. Cùng với đó, ở các địa phương trong tỉnh, nhiều lễ hội, ngày hội diễn ra sôi nổi, rộn ràng.
Xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) có khoảng 98% dân số là người dân tộc Êđê, bởi thế, Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại đây luôn được người dân mong chờ, đón nhận. Lễ hội năm nay diễn ra trong hai ngày với nhiều hoạt động phong phú: thi tạc tượng gỗ, đan lát, giã gạo, dệt thổ cẩm; ẩm thực truyền thống của người Êđê; trình diễn trang phục truyền thống; tham quan bến nước; văn nghệ dân gian… đã thu hút đông đảo bà con tham gia, ai cũng vui mừng và phấn khởi, vì đây là dịp tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê.
Phần thi giã gạo nhanh tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X năm 2023. |
Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột thực sự trở thành một ngày hội lớn của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Đến với ngày hội diễn ra tại buôn Cư M’Blim (xã Ea Kao) và buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), gần 40 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn thành phố với những sản phẩm văn hóa đặc trưng, truyền thống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Đây là dịp người dân và du khách có cơ hội đắm mình trong âm vang cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc, chiêm ngưỡng những trang phục truyền thống rực rỡ, chứng kiến, ngắm nhìn các nghệ nhân tỉ mẩn ở phần thi đan lát truyền thống, những người phụ nữ say sưa bên khung cửi trong phần thi dệt thổ cẩm, hòa vào không khí vui tươi rộn rã của phần thi giã gạo nhanh... Bà H’Blak Byă (buôn Ea Kao, xã Ea Kao) chia sẻ: “Ngày trước, người dân trong buôn mỗi lần giã gạo là giã cho con cháu cùng ăn nên tập trung đông và giã rất nhiều. Tái hiện hoạt động này tại lễ hội, tôi vẫn cảm nhận được sự gắn kết mỗi thành viên trong gia đình, trong buôn làng”.
Phụ nữ Tày (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) trong trang phục truyền thống bên mâm cơm truyền thống tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc năm 2023. |
Tại các lễ hội, phần thi ẩm thực truyền thống luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách, với những món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc được chăm chút tỉ mẩn từ khâu chế biến đến khâu thành phẩm. Anh A Điệp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) bày tỏ, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc ít khi được chế biến trong bữa cơm hằng ngày, chỉ khi có lễ, có hội mọi người mới có dịp cùng nhau bắt tay vào cùng nấu nướng. Bởi thế, đây cũng là dịp để giữ gìn phát huy những giá trị truyền thống, mỗi địa phương mang đến những món ăn truyền thống đặc sắc để quảng bá, giới thiệu cho mọi người cùng biết và thưởng thức.
Tháng Ba về, rộn ràng nhưng cũng rất bình dị, chất phác nhưng đầy “lửa” như chính tâm hồn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hòa mình vào các lễ hội ở Đắk Lắk, dưới cái nắng, cái gió tháng Ba nồng nàn, du khách có thể phần nào cảm nhận nhịp đập, hơi thở con người Tây Nguyên nơi đại ngàn hùng vĩ.
Huyền Diệu - Hoài Thương
Ý kiến bạn đọc