Multimedia Đọc Báo in

Cần những không gian văn hóa mở…

08:39, 26/11/2023

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tháng 11 là thời đoạn ngành văn hóa và du lịch Đắk Lắk muốn khởi động một số kế hoạch mới, góp phần thay đổi các góc nhìn giá trị về văn hóa Tây Nguyên tại địa bàn.

Điểm nhấn của ý tưởng này, là Ngày hội văn hóa các dân tộc Đắk Lắk được địa phương tổ chức vào giữa tháng, để qua từng sự kiện cụ thể này, tỉnh sẽ đánh giá lại hiện trạng các mô hình, phong trào văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao quần chúng và đời sống văn hóa trong cộng đồng.

Lan tỏa giá trị văn hoá

Ngày hội văn hóa các dân tộc Đắk Lắk gồm ba nhóm hoạt động chính, là trình diễn, trưng bày các sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng truyền thống của các dân tộc anh em; giới thiệu các giá trị di sản Tây Nguyên đã được công nhận, đang lập hồ sơ; và kết nối, quảng bá các chương trình, sản phẩm du lịch đặc thù địa phương.

Trọng tâm của ngày hội này chính là biểu hiện độc đáo, đặc trưng truyền thống về văn hóa các dân tộc, mà đỉnh cao phát huy là các di sản văn hóa. Theo ông Thái Hồng Hà, thái độ tiếp cận những giá trị này của ngành là tôn trọng và bình đẳng, công bằng giữa các giá trị văn hóa khác nhau, không có sự so sánh hay xếp hạng. Mỗi dân tộc sẽ được người dân chọn nét tiêu biểu, thành quả độc đáo, với hình ảnh và hoạt động cụ thể để biểu diễn, giới thiệu rộng rãi.

Sẽ có những mảng giá trị văn hóa đã được ghi nhận lâu nay, song với góc độ tổ chức này, ngành văn hóa cố gắng thể hiện những phát hiện mới, những kết quả nghiên cứu, thẩm định mới để làm nổi bật hơn. Đơn cử như việc phục dựng lễ cưới của người Êđê, giới thiệu chế biến các món ăn, thức uống của các dân tộc, việc tổ chức nhấn mạnh đến hiện trạng ở cộng đồng người dân và khả năng kết nối, “du lịch hóa” hoạt động để quảng bá tốt hơn.

Trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê ở buôn Tơng Jŭ (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023. Ảnh: Thế Hùng

Ông Hà nhấn mạnh, các di sản văn hóa quy tụ các giá trị vốn có nên việc biểu đạt thành công giá trị, lan tỏa hình ảnh những miền di sản văn hóa trong cuộc sống hôm nay là rất cần thiết. Không gian lễ hội vì thế cố gắng mở rộng, đi về tận các buôn làng, xoáy sâu vào hoạt động đời thường, sự kiện thực tế trong truyền thống tâm linh, nhịp điệu đời sống các dân tộc, chứ không đơn giản chỉ diễn tấu ở các sân khấu, khu vực tổ chức sự kiện nào đó.

Mở ra hành trình mới?

Từ góc độ ngày hội này, những nhà quản lý văn hóa muốn có khả năng mở rộng tìm hiểu và xây dựng, cấu trúc đúng văn hóa truyền thống Tây Nguyên tại một địa phương cụ thể là Đắk Lắk. Với nền tảng hội tụ 49 dân tộc anh em, tỉnh cần tạo lập được một hệ thống quan hệ, quản lý, kết nối và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn các thành quả văn hóa… một cách khoa học và hiệu quả.

Đây không phải là việc giản đơn làm được qua một vài văn kiện hay chủ trương chỉ đạo, mà theo các nhà nghiên cứu văn hóa, phải có một lộ trình bền vững và quy tụ những thái độ, góc nhìn, giải pháp hợp lý, chân xác. Đơn cử câu chuyện phục dựng, phát huy văn hóa “Voi Tây Nguyên”, một chủ đề nhạy cảm với cộng đồng xã hội lâu nay, địa phương cần tỏ rõ quan điểm, kế hoạch thế nào, để vừa giữ gìn được nét đẹp đời sống truyền thống giữa con người Tây Nguyên và loài voi, vừa tôn trọng những giá trị xã hội hiện đại mới. Hay với di sản cồng chiêng, cho đến nay, Đắk Lắk đã có những kết quả nghiên cứu, sưu tra, tập hợp thế nào, tổ chức chăm sóc, bảo vệ các nghệ nhân và cộng đồng liên quan đến di sản này ra sao, đều phải được triển khai, thông tin mạch lạc, thống nhất và đầy đủ.

Hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ có những chương trình, dấu mốc sự kiện mới, như kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, sẽ cần xây dựng kế hoạch tổ chức, kết nối các nguồn lực xã hội, đúc kết hoạt động nghiên cứu, quảng bá, truyền thông ra sao, đều thật sự cần những đề cương, giải pháp rất cụ thể. Mục tiêu khởi động những thay đổi trong đầu tư, góc nhìn quản lý, phát huy văn hóa của ngành văn hóa địa phương, vì thế phải càng tỏ tường, minh bạch hơn.

Từ những góc nhìn trách nhiệm đó, ngành quản lý văn hóa, du lịch Đắk Lắk đã định vị rõ hơn những phần việc, kế hoạch phải bàn, phải làm trong thời gian tới. Sau giai đoạn bị tác động tiêu cực từ dịch bệnh, từ bối cảnh khủng hoảng kinh tế chung, cho đến nay là những diễn biến tiêu cực khác của xã hội, rõ ràng ngành văn hóa Tây Nguyên cần có sự nhìn nhận chân thực, cơ cấu hoạt động lại đúng ý nghĩa và tầm vóc của mình. Thời điểm tháng 11/2023 vì thế đang mở ra những điều kiện và cơ hội khác biệt, để tiến đến những cao điểm hoạt động Tết, chào đón năm mới 2024, đối diện những thách thức phát triển ở tương lai, hoạt động văn hóa xã hội, du lịch Đắk Lắk, Tây Nguyên phải có được đà thay đổi, tăng trưởng và tái cấu trúc tốt hơn.

Biểu hiện rõ ràng của các hoạt động văn hóa này là nếp sống sinh hoạt cộng đồng, những phong thái cuộc sống trong cộng đồng người dân sẽ được củng cố, lan tỏa các giá trị truyền thống, đạo đức ra sao. Tiếp phía sau, là cơ hội khuấy động, kích cầu đầu tư sản xuất, tổ chức thành công các dịch vụ, phát triển lại du lịch địa phương với những nét bản sắc rõ ràng, chất lượng hơn.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc