Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp của thiếu nữ Ve trong trang phục truyền thống

08:52, 26/11/2023

Người Ve còn có tên tự gọi là Giẻ do xuất phát từ lưu vực sông Giẻ ở Lào, là bộ phận quan trọng cấu thành dân tộc Giẻ-Triêng.

Trong cộng đồng 54 dân tộc ở nước ta, dân tộc Giẻ-Triêng (gồm 4 nhóm người địa phương chính: Giẻ, Triêng, Ve và Bhnoong) có khoảng trên 51.000 người, cư trú tập trung tại địa bàn miền núi hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, người Ve có khoảng gần 1.800 người, cư trú tập trung ở địa bàn hai xã Đắc Pre và Đắc Pring (huyện Nam Giang). Do địa bàn sinh sống nằm ở vùng biên giới Việt – Lào, thêm nữa trước đây đường đi lại khó khăn, hạn chế tiếp xúc với bên ngoài nên đồng bào Ve ở Quảng Nam còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể phản ánh rõ nét đặc trưng của cư dân Bắc Tây Nguyên như lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà cửa, diễn xướng dân gian, phong tục cưới hỏi, trang phục...

Thiếu nữ Ve duyên dáng bên bờ suối.

Già làng Hiên Hôn (62 tuổi, ở thôn 56A, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang) cho biết: Từ xa xưa, người Ve tranh thủ lúc nông nhàn để tự dệt vải. Khung cửi dệt vải của người Ve khá thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp. Đồng bào thường trồng bông vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Bông sau khi thu hoạch về, được phơi khô bật tơi, sau đó xe thành sợi rồi đem nhuộm trước khi dệt thành sản phẩm quần áo. Dưới bàn tay khéo léo, phụ nữ người Ve đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống và tấm choàng với hoa văn và màu sắc đầy cá tính…

Người Ve ở Quảng Nam còn bảo lưu y phục truyền thống với nhiều loại hình khác nhau như váy, áo, khố, áo khoác, khăn, mũ, xà cạp… Thiếu nữ người Ve có vẻ đẹp tươi tắn, khỏe mạnh, thường để tóc dài, quấn sau gáy. Khi mặc những bộ trang phục của dân tộc mình để tham gia lễ hội, lễ cưới hỏi truyền thống, họ kết hợp làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, hoa tai... Váy của phụ nữ Ve được tạo nên từ hai tấm vải bông, khâu ghép theo chiều rộng rồi khâu nối thành hình ống. Nền váy màu chàm đen, với các hoa văn trang trí kết hợp giữa hai màu chủ đạo là đỏ và trắng, ngoài ra còn có các màu khác như chàm, vàng, lam. Váy dùng trong lễ hội thường có trang trí hoa văn đẹp. Đối với thiếu nữ Ve, khi mặc họ thường quấn váy cao ngang nách, che kín bộ ngực và để vai trần. Còn những phụ nữ lớn tuổi thường mặc kín đáo hơn với váy có tay, có cổ, che hai bờ vai… Nét độc đáo nhất trong trang phục truyền thống của đồng bào Ve là cả nam lẫn nữ đều sử dụng tấm áo khoác, một loại hình trang phục choàng quấn mang dấu ấn cổ xưa.

Thiếu nữ Ve duyên dáng trong trang phục truyền thống.

Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế cũng như hội nhập trong cuộc sống đã ảnh hưởng không nhỏ tới trang phục truyền thống của người Ve nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. Vì thế, trong sinh hoạt đời thường và trong lao động sản xuất, phụ nữ Ve ăn mặc đơn giản, nhưng trong các dịp lễ hội truyền thống, những dịp lễ, Tết… họ rất tự hào khi mặc trên mình những bộ trang phục cổ truyền của dân tộc mình như là cách tốt nhất để bảo tồn, giữ gìn những bản sắc văn hóa bản địa đặc sắc, riêng có của người Ve.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.