Gắn kết cộng đồng qua các nghi lễ truyền thống
Các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Lễ kết nghĩa anh em, Lễ mừng thọ của người M’nông; Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cúng bến nước, Lễ chúc sức khỏe của người Êđê… không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần, tâm linh, mà còn có giá trị gắn kết cộng đồng.
Mỗi khi gia đình nào trong buôn, hay buôn có việc quan trọng, mọi người dân trong buôn đều cùng nhau bàn bạc, thống nhất về thời gian, cách thức tổ chức, phân chia công việc cho phù hợp.
Ông Y Thăm Kbuôr là một người lớn tuổi ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) được con cháu, bà con kính trọng, yêu thương. Vì vậy, khi biết tin ông sẽ tổ chức lễ chúc sức khỏe ai cũng vui mừng và chung tay hỗ trợ.
Trước ngày diễn ra buổi lễ, các thành viên trong gia đình chuẩn bị lễ vật, mời họ hàng, hàng xóm trong buôn về dự. Vào ngày chính thức, mọi công đoạn đều được bà con chuẩn bị tươm tất. Khi ché rượu cần đã được buộc vào cây cột lễ, nước đã được châm đầy, mâm lễ vật đã được bày biện đầy đủ thì tiếng chiêng vang lên rộn rã, thay cho lời mời gọi mọi người đến chung vui.
Trong buổi lễ, ngoài những nghi thức quan trọng như báo với ông bà tổ tiên, chúc sức khỏe thì không thể thiếu nghi thức họ hàng, người thân, bà con lối xóm đeo vòng đồng cho ông Y Thăm, mỗi một vòng được đeo lên tay kèm theo một lời chúc sức khỏe và những điều tốt đẹp…
Chị H'Bluen Niê đeo vòng đồng chúc ông Y Thăm Kbuôr thật nhiều sức khỏe. |
Lễ kết nghĩa anh em giữa gia đình ông Y Thái Êban (buôn Kmrơng B, xã Ea Tu) và gia đình ông Y Krin Kpơr (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có sự chứng kiến của đông đảo anh em, họ hàng và bà con lối xóm. Những nghi thức gần gũi với cuộc sống như đón anh em, kết nghĩa, trao vòng đồng, uống rượu cần… đã tạo thành sợi dây gắn kết mọi người với nhau. Ông Y Thái nói: “Lễ kết nghĩa này rất quan trọng với hai gia đình, giúp chúng tôi từ những người quen biết càng trở nên thân thiết như ruột thịt, coi nhau như anh em một nhà, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn”. Mối gắn kết càng thêm ý nghĩa trước sự chứng kiến của cộng đồng, ai phạm vào những điều không được làm dẫn đến sứt mẻ tình cảm hai bên thì sẽ chịu phạt.
Ông Y Sơn Niê, người lớn tuổi, có uy tín ở buôn Kmrơng B cho hay, lễ kết nghĩa anh em là truyền thống tốt đẹp của người Êđê, là tài sản quý giá làm giàu thêm đời sống tinh thần, tạo sự gắn kết trong gia đình, cộng đồng và xã hội; đồng thời cũng là dịp giáo dục con cháu về cội nguồn, truyền thống của dân tộc. Bởi khi thực hiện các nghi lễ, thầy cúng hay người có uy tín đã khéo léo răn dạy, chỉ bảo về vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong việc tiếp nối truyền thống của cộng đồng, dân tộc.
Cùng với phần lễ, phần hội luôn đem đến sự rộn ràng náo nức. Ở phía gian nhà chính tổ chức các nghi thức lễ, còn gian nhà sau thì phụ nữ cũng tất bật nấu nướng, chuẩn bị món ăn. Ở phần hội, mọi người quây quần bên nhau vui vẻ trò chuyện, uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng, nhịp xoang... Không khí vui tươi cuốn hút mọi người tham gia một cách tự nhiên, không chỉ là những cư dân của buôn làng, mà cả những người tham dự và khách du lịch.
Người dân buôn Tơng Jú, khách mời, du khách nắm tay cùng nhau múa xoang, vui hội sau Lễ chúc sức khỏe. |
Đến tham quan buôn Tơng Jú trong chuyến du lịch tại Đắk Lắk, vợ chồng ông Gerrit Van Steerteghem (người Bỉ) tỏ ra rất thích thú khi được cùng tham dự lễ chúc sức khỏe tại buôn. Ông bà quan tâm hỏi hướng dẫn viên, người dân về ý nghĩa của từng nghi lễ. Khi hiểu được thông điệp về sự đoàn kết, gắn kết cộng đồng, cầu mong những điều tốt đẹp, ông bà Gerrit Van Steerteghem cũng dành những lời chúc tốt đẹp cho chủ nhân của buổi lễ; cùng nắm tay hòa vào vòng xoang, thưởng thức rượu cần và dùng cơm với bà con…
Các nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên cao nguyên Đắk Lắk. Trong cuộc sống hiện đại, đôi khi có những nghi lễ đã được rút gọn, đơn giản bớt về nghi thức, vật phẩm dâng lễ… nhưng vẫn giữ nguyên giá trị, ý nghĩa và cách thức tổ chức, tạo không khí vui vẻ, ấm áp, gắn kết tình thân trong cộng đồng buôn làng.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc