Multimedia Đọc Báo in

Thú vị tục hỏi cưới của đồng bào Êđê

07:46, 01/01/2024

Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, vai trò của phụ nữ rất quan trọng. Trong hôn nhân, người con gái phải đi hỏi cưới chồng. Lễ hỏi là lễ ghi nhận lần đầu tiên hai bên gia đình gặp gỡ, làm quen, thăm hỏi gia cảnh và trao đổi thống nhất việc chọn ngày làm lễ thách cưới.

Lễ vật truyền thống nhất thiết phải có chiếc vòng đồng (nếu nhà trai ưng thuận sẽ nhận chiếc vòng của nhà gái), ché rượu và con gà sống (rượu và con gà sẽ được nhà trai dùng đãi cơm nhà gái ngay trong ngày hôm đi hỏi ấy). Ngày nay, lễ hỏi chồng không cần có vòng đồng (có khi thay vòng bằng một khoản tiền nhỏ). Một số gia đình sẽ mang theo bánh kẹo, rượu trắng, thuốc lá đến nhà trai, có gia đình còn mang theo xôi nếp. Cũng có nơi để thuận tiện hơn thì sẽ quy đổi các món lễ vật thành tiền mặt mà không cần mang theo gì.

Lễ thách cưới là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định việc đám cưới được diễn ra hay không. Trong cuộc gặp gỡ này, hai bên thỏa thuận số của cải, tiền bạc nhà gái phải trao cho gia đình nhà trai. Theo tập tục, lễ vật thách cưới nhà gái phải chuẩn bị gồm: Tiền hỏi cưới, 8 còng đồng, chăn địu, quần áo thổ cẩm, chén đồng hứng sữa; một chiếc chăn cho chú, bác lớn tuổi; tiền một con heo đực “đền” cho cha và một con heo cái “đền” cho mẹ. Ngoài ra còn có tiền kết nghĩa (nếu chàng trai và cô gái không ở cùng buôn thì chàng trai sẽ kết nghĩa với một gia đình cùng họ tại buôn làng của cô gái sống; sau khi làm lễ kết nghĩa thì chàng trai sẽ chính thức được coi như con cháu trong nhà của gia đình mình đã kết nghĩa. Thường tiền cho lễ kết nghĩa từ 1 - 3 chỉ vàng); tiền đền (trả công) cho ông, bà chú, bác, cô, dì, chị, em gái trong dòng họ đã bồng, ẵm, dìu dắt, chăm sóc chàng trai từ khi mới sinh ra… và cuối cùng là tiền cưới.

Cô dâu, chú rể trao tiền thay thế vòng đồng. Ảnh: N.Vương

Hiện tại, gần như tất cả các lễ vật đều được quy đổi thành tiền mặt và vàng (số tiền, vàng này cao hay thấp tùy thuộc vào “giá trị của chàng trai” hoặc tùy thuộc vào thiện chí của nhà trai đối với cô gái). Theo đó, nhà trai có quyền yêu cầu các lễ vật thách cưới nhà gái, còn nhà gái có thể xin bớt, giảm cho phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu hai bên đồng ý thì mới thực hiện các nghi lễ còn lại. Để cuộc thách cưới thuận lợi, nhà gái chọn ông mai có nhiều kinh nghiệm, ăn nói lưu loát, am hiểu luật tục đại diện đứng ra thỏa thuận với nhà trai.

Sau khi thỏa thuận xong thì nhà gái sẽ thông báo cho buôn làng việc tổ chức lễ cưới tại nhà gái. Lúc này, người trưởng họ sẽ đại diện hai gia đình tuyên bố cuộc hôn nhân của chàng trai, cô gái được chấp nhận theo luật tục, rồi ông đưa chiếc vòng đồng (hoặc tờ tiền mặt) cho đôi vợ chồng trẻ chạm tay vào để chúc phúc vợ chồng sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Xong phần thỏa thuận thách cưới, đại diện nhà trai, nhà gái tiếp tục làm nhiệm vụ giảng giải, răn dạy cho đôi trẻ về những khó khăn phát sinh trong cuộc sống vợ chồng. Họ khuyên cô dâu giữ trọn đức hạnh, siêng năng, đảm đang chu toàn việc gia đình; khuyên chú rể chăm chỉ làm ăn, san sẻ công việc với vợ. Khi có khó khăn phải báo với gia đình hoặc nhờ người giúp đỡ, không được bỏ nhau. Đặc biệt, không được ngoại tình, quan hệ bất chính, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, thịt trâu, bò để thết đãi dân làng, đền tiền bạc và bị dân làng coi khinh.

Cô dâu, chú rể cùng uống chung một ché rượu cần. Ảnh: Hoài An

Trong lễ cưới, cô gái, chàng trai trao vòng đồng cho nhau trước mặt hai bên dòng họ, và từ đây chính thức gọi nhau là vợ chồng. Chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở sống thủy chung. Kết thúc nghi lễ trao vòng, đôi vợ chồng trẻ cầm mỗi người một cần rượu, uống đổi cần cho nhau với ý nghĩa cuộc đời vợ chồng kéo dài mãi. Họ cùng nhau ăn chung một miếng cơm, một miếng gan heo để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nguyện từ nay về sau dù no hay đói đều luôn có nhau.

Sau lễ cưới ba ngày, chàng trai phải về bên nhà gái. Theo truyền thống, lúc này gia đình chồng mới trao của hồi môn cho con trai mang đi. Đây là lúc họ hàng nhà trai tùy theo hoàn cảnh, tùy tâm sẽ tặng quà cho chú rể mới. Đoàn rước rể trên đường về nhà gái sẽ gặp nhiều tốp nam nữ gồm anh, chị, em, bạn bè của cô dâu đứng bên đường và trước nhà dài trêu chọc và đòi quà của chú rể. Chú rể phải trao cho họ một chiếc vòng đồng (hay tiền mang ý nghĩa tượng trưng) họ mới chịu buông tha và được bước lên cầu thang nhà dài. Người Êđê quan niệm, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì cuộc hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn, từ đó cuộc sống ngày càng bền vững, hạnh phúc, sinh đẻ được nhiều con cái.

Trước đây, sau lễ cưới cô dâu phải “ở dâu” tại nhà chồng 3 năm. Tục này hiện nay gần như đã bỏ. Thay vào đó, nhà gái nộp cho nhà trai 1 - 3 chỉ vàng để được “chuộc” con gái về. Cũng có trường hợp nhà trai con một, hoặc neo đơn, nhà gái vẫn cho cô dâu ở nhà chồng.

Nhất Vương - H’Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.