Multimedia Đọc Báo in

Vít cần... thưởng thức men say

07:39, 11/02/2024

Trong văn hóa của người Êđê nói riêng và các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, những dịp vui hay lễ, tết, tiếp đãi khách quý đến nhà đều không thể thiếu rượu cần - thức uống thể hiện sự trang trọng, quý mến, tinh thần đoàn kết.

Gia đình bà H’Sưn Mlô (còn gọi là Amí Thương, SN 1964, trú buôn Cư M’tao, xã Ea Sin, huyện Krông Búk) là một trong những hộ còn giữ được nghề làm rượu cần từ men truyền thống.

Chị H’Tâm Kđoh (con gái nuôi của Amí Thương) trò chuyện, đây là nghề truyền thống lâu đời của gia đình và Amí Thương là người có nhiều kinh nghiệm, nên rượu cần làm ra được nhiều người yêu thích. Để có ché rượu cần ngon quan trọng nhất là khâu ủ men rượu.

Gia đình chị sử dụng cây hem (loại cây rừng có vị ngọt), cây riềng rừng (có vị cay, thơm nồng) và gạo xay nhuyễn trộn lẫn vào nhau tạo thành những cục men rồi đem phơi khô.

Sau khi có men, chị nấu cơm để nguội, rắc men, trộn thêm trấu rồi bỏ vào ché, lấy lá chuối bịt kín miệng và để nơi thoáng mát. Thời gian ủ phải kéo dài khoảng 2 tháng mới có thể chiết xuất ra rượu để dùng. Rượu cần để càng lâu hương vị càng đậm đà và thơm ngon hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ trái sang, hàng ngồi) thưởng thức rượu cần tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tại xã Ea Sol (huyện Ea H'leo).

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị sản phẩm rượu cần truyền thống của gia đình, tháng 6/2023, dự án “Sản xuất và kinh doanh rượu cần Ea Sin” do chị thực hiện đã đạt giải Nhì Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kinh doanh” năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động.

Giờ đây, rượu cần Ea Sin được nhiều người biết đến. Chị H’Tâm mong muốn phát triển bền vững, trở thành một thương hiệu của địa phương. Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, gia đình chị làm từ 200 - 300 ché rượu cần, với các loại 5 lít, 8 lít, 10 lít tùy nhu cầu từng khách hàng lựa chọn. Các ché rượu cần không chỉ được khách hàng quen trong tỉnh mua về sử dụng mà còn được khách hàng khắp các địa phương toàn quốc đặt mua.

Chị H’Tâm chia sẻ: “Việc uống rượu cần trở thành nét đẹp văn hóa từ bao đời nay, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong gia đình và buôn làng. Vì vậy, việc nấu rượu cần được gia đình giữ gìn, truyền lại cho con cháu kế thừa, phát huy, không được bỏ truyền thống văn hóa của dân tộc mình…”.

Tương tự, chàng trai Êđê Y Nay Ajun (SN 1990, thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) mặc dù chỉ mới gần 10 năm kinh nghiệm làm rượu cần, nhưng bí quyết để tạo ra rượu ngon của gia đình đã có từ rất lâu. Công việc này đối với anh có rất nhiều ý nghĩa, không đơn thuần là việc làm kiếm thu nhập mà đó là sự kế thừa bí quyết truyền thống của gia đình. Anh Y Nay cho biết: “Rượu cần là thức uống thường xuyên, phổ biến và bất biến của các cư dân bản địa Tây Nguyên. Rượu cần không thể thiếu trong các lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, với mong ước mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự tốt lành. Hiện nay, sản phẩm rượu cần còn được đưa đến nhiều vùng trong cả nước, được nhiều người thưởng thức, tạo nên sự giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các vùng miền”.

Đến với Đắk Lắk vào mùa lễ hội, vào mùa Tết hoặc có dịp ngồi lại bên nhau, bà con ở các buôn làng thường mang rượu cần ra để mời khách. Quây quần bên ché rượu, mọi người xích lại gần nhau, thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Điều này có thể giải thích lý do vì sao càng ngày càng có nhiều người tìm đến với rượu cần mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Thưởng thức rượu cần trong nghi thức Lễ rước rể của người Êđê.

Vào dịp năm mới, khi có khách đến chơi nhà, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách mọi điều tốt đẹp nhất sau đó mời khách vít cần... thưởng thức men rượu thơm nồng. Bên ché rượu cần, trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, mọi người cùng bàn chuyện làm ăn, chia sẻ tâm tư, tình cảm trong cuộc sống sau một năm làm lụng vất vả. Ché rượu cần là "nhịp cầu" gắn kết những người xa lạ hóa gần gũi, trò chuyện cởi mở, xóa nhòa ranh giới chủ và khách, đây cũng là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Uống rượu cần còn thể hiện sự gắn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, nhất là trong dịp đầu xuân năm mới.

Hiện nay, rượu cần không chỉ sử dụng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc mời khách quý, nhiều gia đình còn biến loại đồ uống đặc biệt này còn trở thành hàng hóa, bán ra thị trường trong nước, ra nước ngoài. Đây là tín hiệu vui, truyền cảm hứng cho thêm nhiều người trẻ trên bước đường lập thân, lập nghiệp từ loại đồ uống truyền thống đậm nét văn hóa của dân tộc mình.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc