Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng giai điệu mùa xuân

09:56, 09/03/2024

Trong lễ hội mùa xuân, những lời ca điệu múa, âm thanh các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc hòa quyện mang đến tinh thần phấn chấn, khởi đầu cho một năm mới vui tươi.

Tiếng hát quê hương

Dưới nắng ấm, hoa nở mùa xuân, giai điệu then, đàn tính ngọt ngào của những người con dân tộc Tày, Nùng ngân vang trên vùng quê mới Ea Rốk (huyện Ea Súp).

Như đã ngấm vào máu thịt, mỗi lần cầm cây đàn tính và cất lời then, ông Hứa Minh Nguyên (trưởng thôn 21, xã Ea Rốk) lại dâng trào cảm xúc, ngón tay ông lướt nhịp nhàng trên cần đàn tạo ra những âm thanh ngân nga lúc trầm, lúc bổng hòa cùng lời hát.

Đội hát then – đàn tính thôn 21 (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cất lên tiếng hát quê hương.

Ông Nguyên bày tỏ: “Hát then là món ăn tinh thần không thể thiếu và là linh hồn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày, Nùng. Nhất là vào những ngày xuân, chúng tôi sẽ ngân lên những bài ca mừng năm mới, bài ca về tình yêu quê hương, đất nước…”.

Vì vậy, dù xa quê hương Lạng Sơn đã hơn 30 năm nhưng trong tâm trí người người Tày, Nùng nơi đây thì tình yêu dành cho hát then, đàn tính vẫn luôn cháy bỏng. Để giữ gìn văn hóa truyền thống cũng như có sân chơi cho mọi người cùng giao lưu, gắn kết, năm 2016, đội hát then – đàn tính của thôn 21 được thành lập.

Ông Lê Thanh Cư, Bí thư Đảng ủy xã Ea Rốk cho hay: “Thông qua câu lạc bộ, người Tày, Nùng xa quê không chỉ có chỗ sinh hoạt, nâng cao đời sống tinh thần, mà còn tạo động lực hăng hái lao động sản xuất, học tập và công tác hiệu quả; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Tương tự, người Tày, Nùng ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) cũng đã giữ gìn làn điệu sli và xem đây là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Bên chén rượu xuân, trong lễ hội hay sinh hoạt hằng ngày, điệu sli vang vọng khiến người nghe say đắm bởi sự ngọt ngào, đằm thắm qua từng câu hát.

Ông Mã Văn Mác, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn 3 (xã Ea Siên) tâm sự: “Mỗi câu hát, mỗi âm điệu sli đều để thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, là tiếng lòng được chắt lọc từ những âm thanh đẹp đẽ, tinh túy và sống động nhất đem lại sức sống, tình yêu cuộc đời”.

Vì vậy, nhân dịp năm mới, mọi người trong thôn sẽ cùng gặp mặt trò chuyện thân tình, hỏi thăm sức khỏe, ngân nga điệu sli để chúc nhau những điều tốt đẹp. Đặc biệt, vào Lễ hội Hảng Pồ (hay còn gọi là chợ tình Ea Siên, diễn ra vào ngày 27, 28 tháng Giêng âm lịch) hằng năm, bà con dân tộc Tày, Nùng trong trang phục truyền thống chia thành những cặp đôi cất lên lời sli ngọt ngào, da diết…

Thanh âm ngọt ngào

Những nhạc cụ truyền thống cũng được các dân tộc giữ gìn và phát huy, như khua luống của người Thái ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp). Khua luống vốn dĩ ban đầu không phải là một nhạc cụ, mà chỉ dùng để giã gạo.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đời sống, với niềm lạc quan, yêu đời, yêu văn hóa, văn nghệ, người Thái đã sử dụng nó như một nhạc cụ để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Trải qua thời gian, dần dần khua luống thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, ngày cưới, đặc biệt là ngày Tết, mùa xuân...

Người Mường xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) sinh hoạt cộng đồng, đánh chiêng vào dịp đầu năm mới.

Khua luống có nhiều điệu: điệu chào khách, điệu mừng cưới, mừng lúa mới..., kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng; làm tăng thêm không khí vui tươi, náo nức trong ngày hội.

Bà Lô Thị Ngân (thôn 3, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) cho hay: “Hễ là người Thái biết cầm chày giã gạo thì đều biết khua luống, đặc biệt là người phụ nữ Thái. Ngày nay, dẫu cho cuộc sống có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, nhưng tại những làng người Thái ở xã Ea Rốk, khua luống luôn được bà con sử dụng không chỉ thể hiện những khát vọng của con người, mà còn như một lời chào đến với những người khách gần xa, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào nơi đây”.

Cùng với thanh âm của trống, chiêng, khua luống vang lên hòa quyện tạo khí thế tươi vui, thoải mái để bước vào một năm mới với bao điều mong ước may mắn, hạnh phúc, ấm no, đủ đầy sẽ đến.

Còn với người Mường, trong quan niệm văn hóa dân gian, tiếng chiêng cũng chính là tiếng của lòng người. Vì vậy, trong những dịp lễ quan trọng của người Mường không thể thiếu tiếng chiêng trầm bổng, ngân nga suốt cuộc vui.

Nhiều năm qua, để giữ gìn văn hóa dân tộc Mường nói chung và chiêng Mường nói riêng, bà con dân tộc Mường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) như: CLB văn hóa Mường xã Hòa Thắng, CLB Văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng, Mường xã Ea Kao. Các CLB không chỉ tổ chức tập luyện những tiết mục văn nghệ; sưu tầm hoặc sáng tác tác phẩm mới ca ngợi quê hương, đất nước, con người, cũng như truyền thống văn hóa, nét sinh hoạt đặc sắc của dân tộc Mường mà còn trao đổi, hướng dẫn, truyền dạy cách sử dụng chiêng cho lớp trẻ, nhằm tạo nguồn kế cận; tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương… góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của nhân dân.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.