Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo Phạm Huỳnh và mối tình với nhiếp ảnh

08:46, 16/06/2024

Có thể nói, Phạm Huỳnh (tức Phạm Đình Hiến) là một trong những “tiền bối” ở Báo Đắk Lắk.

Năm 1976, thành lập Báo Đắk Lắk cũng là năm Phạm Huỳnh đến nhận công tác ở đây và chung thủy với báo suốt 34 năm liền cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2010).

Bên cạnh công việc chính là phóng viên ảnh, Phạm Huỳnh còn rất đam mê nhiếp ảnh nghệ thuật và đoạt nhiều giải thưởng cao, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật của tỉnh nhà.

Chân dung nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Huỳnh.

Có lẽ nhiều người bây giờ khó có thể hình dung được những khó khăn và vất vả của một phóng viên nhiếp ảnh vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước.

Ngày nay, quy trình để một tấm ảnh từ khi chụp đến khi xuất hiện trên mặt báo rất nhanh chóng, nhờ mạng Internet và nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ cho chụp ảnh, xử lý ảnh.

Phóng viên ảnh đi cơ sở, chụp ảnh xong có thể chuyển ngay ảnh về tòa soạn và chỉ trong vài phút sau ảnh đã có thể xuất hiện trên báo điện tử, đến với người đọc khắp năm châu bốn biển.

Nhưng ngày ấy, phóng viên ảnh đi cơ sở chụp nhân vật/sự kiện xong phải hối hả quay về tòa soạn chui vào buồng tối tráng phim; chờ phim khô thì rửa ảnh; rửa ảnh xong, chờ ảnh khô thì đem ảnh trình thư ký tòa soạn, hay lãnh đạo báo để chọn ảnh; chọn ảnh xong thì tất tưởi mang ba lô, ôm ảnh đi TP. Hồ Chí Minh làm bản kẽm; cuối cùng là “gùi”, có khi cả chục ký bản kẽm về “dùng dần” cho nhiều kỳ báo (thời bấy giờ chỉ in ti pô, tại xưởng in của tỉnh).

Mỗi tháng Phạm Huỳnh phải đi TP. Hồ Chí Minh 1 - 2 lần để làm kẽm, lần nhanh nhất cũng 2 - 3 ngày, có tháng mất cả chục ngày đi TP. Hồ Chí Minh, vừa vất vả, vừa tốn kém tiền bạc. Công tác phí không đủ chi, có những tháng anh tiêu “lẹm” cả tiền lương, tức là tiêu mất cả “phần cơm con”, khiến vợ phải trằn mình xoay xở.

Gần hai chục năm liền anh làm công việc như thế, bảo đảm cho tờ báo không bao giờ thiếu ảnh. Công việc vất vả, nhưng chẳng bao giờ anh kêu ca, vẫn miệt mài bền bỉ hết lòng vì công việc. Mỗi lần đến cơ quan chỉ thấy anh cười đùa, vui vẻ với mọi người hết sức vô tư. Nhiều người nhận xét: “Vô tư, hồn nhiên là “thương hiệu” của Phạm Huỳnh!”.

Tác phẩm “Một thoáng quê hương” của Phạm Huỳnh

Mãi đến năm 1993, khi Xí nghiệp in Đắk Lắk có máy in offset tương đối hiện đại, Phạm Huỳnh mới đỡ vất vả hơn, hằng tháng không còn phải đi TP. Hồ Chí Minh làm kẽm nữa. Cũng nhờ vậy, anh mới có thời gian đầu tư chuyên sâu để nâng cao chất lượng ảnh, góp phần làm cho ảnh in trên Báo Đắk Lắk ngày càng kịp thời, phong phú, hay hơn về nội dung, hình thức, bố cục, tông màu...

Bằng chứng là, năm 2001 bức ảnh “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Đảng bộ và đồng bào xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột” của Phạm Huỳnh đã được trao giải C - Giải Báo chí toàn quốc. Bức ảnh này không chỉ thể hiện được sự gần gũi, tình cảm trìu mến thân thương của của đồng chí Tổng Bí thư với đồng bào mà còn có tính nghệ thuật cao, nhờ bố cục chặt, ánh sáng đẹp, tông màu chuẩn. Hiện bức ảnh này được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Là một người mang tâm hồn nghệ sĩ, quá trình đi cơ sở để chụp ảnh báo chí, được thấy nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Đắk Lắk đã làm cho Phạm Huỳnh xúc động, tâm hồn anh như được thăng hoa hơn. Vì thế, anh đã đến với ảnh nghệ thuật như đến với một người tình nồng nàn, say đắm.

Đó cũng là lý do thôi thúc anh ngày đêm suy nghĩ về cách bố cục, cách chọn góc độ chụp, cách lựa chiều ánh sáng, trường hợp nào phải chụp tốc độ nhanh, trường hợp nào thì chụp tốc độ chậm, trường hợp nào phải chụp xóa phông (background) để làm nổi bật chủ đề chính, trường hợp nào phải lia máy khi chụp... để có một tác phẩm mỹ mãn.

Nhờ miệt mài say mê nghiên cứu, Phạm Huỳnh đã có những thành công gây được tiếng vang trong giới nhiếp ảnh cả nước lúc bấy giờ, với hai Huy chương Vàng liên tục: năm 2002 là Huy chương Vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) cho bức ảnh “Nắng sớm vùng cao”, năm 2003 là Huy chương Vàng toàn quốc cho bức ảnh “Một thoáng quê hương”. Ngoài ra, trong năm 2002 anh còn giành được một Huy chương Đồng của FIAP cho bức ảnh “Sắc màu ba zan”...

Tất cả những kinh nghiệm về nhiếp ảnh đều được Phạm Huỳnh chia sẻ với bạn bè, nhất là những người yêu thích nhiếp ảnh nghệ thuật. Những thành tựu của anh, những chia sẻ kinh nghiệm và cảm hứng sáng tạo từ anh đã góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật Đắk Lắk phát triển mạnh mẽ.

Trong khoảng 10 năm, từ 2005 - 2015 Đắk Lắk có gần chục tay máy đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước. “Làng nhiếp ảnh Đắk Lắk” thời bấy giờ là một thương hiệu, được giới nhiếp ảnh cả nước nể trọng, được nhiều tay máy ngoài tỉnh tìm đến để giao du, học hỏi, trong đó có nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Có được điều này, công lao đóng góp của Phạm Huỳnh với tư cách Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Đắk Lắk tới 15 năm liền là không nhỏ. Cũng chính vì vậy, Phạm Huỳnh đã được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc” (ES.VAPA), được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng nhiều bằng khen, giấy khen...

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc