Cư Pui đối mặt với hạn hán, dịch bệnh
Không chỉ chống chọi với dịch bệnh COVID-19, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) còn đang phải đối mặt với tình trạng hồ cạn nước, trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, cây trồng “khát” nước tưới, trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục. Khó khăn càng thêm chồng chất đối với xã vùng III này.
Hạn hán, dịch bệnh
Biết rõ đồng ruộng đang khô nứt, cây lúa không phát triển được vì “khát nước” đã lâu nhưng ngày nào ông Y Luynh Byă ở buôn Bhung cũng vác cuốc ra đồng vì... nóng ruột. Vào đầu vụ hè thu, ông bỏ ra 500 nghìn đồng thuê máy bơm nước vào ruộng để sạ lúa với hy vọng trời sẽ có mưa. Ngờ đâu, suốt mấy tháng nay, trên địa bàn nắng hạn, ruộng cứ nứt toác dần, cây lúa còi cọc, muốn thuê tưới nước cứu lúa cũng không được vì họ cũng dành nước để cứu ruộng nhà mình. Ông Y Luynh buồn rầu: “Nếu trời cho đủ nước thì cũng có 20 bao lúa để ăn nhưng giờ mất trắng. 1 ha bắp của gia đình cũng khô héo”.
Ruộng lúa đã khô nứt của gia đình ông Y Luynh Byă ở buôn Bhung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông). |
Gia đình ông Y Luynh chỉ là một trong số hàng trăm hộ của xã Cư Pui bị thiệt hại nặng nề do nắng hạn kéo dài. Vụ hè thu 2021, toàn xã đã gieo trồng được gần 4.000 ha cây trồng các loại, đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không có mưa, các hồ chứa nước Ea Pren, Ea Hmun đã cạn nước, có nơi nhìn thấy đáy, không thể tưới cho cánh đồng buôn Khanh, buôn Bhung và thôn Điện Tân. Tại hồ buôn Khóa và đập tràn Ea Plây lượng nước cũng không đáng kể. Một số công trình thủy lợi chỉ được quy hoạch để tưới cho cây lúa nước nhưng do nắng hạn kéo dài, người dân cũng tận dụng tưới cả cho cà phê nên nguồn nước càng thiếu hụt.
Bà Phạm Thị Ngọc Vĩ, cán bộ Nông nghiệp và Thủy lợi xã Cư Pui cho biết: Không chỉ các công trình thủy lợi, hiện nay, nước tại các sông, suối, ao, hồ chứa tự đào của người dân trên địa bàn xã cũng cạn dần, không thể cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng, ước tính thiệt hại trên 1.900 ha. Trong đó, lúa nước 228 ha, ngô lai 100 ha, sắn 1.564 ha, còn lại là đậu các loại. Nhiều diện tích gieo trồng dựa vào “nước trời” nên người dân trở tay không kịp, kinh phí dẫn nước, lắp trạm bơm cứu cây rất cao, thu hoạch không đủ chi phí.
Hồ chứa nước Ea Bhum (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đã cạn trơ đáy. |
Hạn hán chưa qua, người dân xã Cư Pui còn phải đối mặt với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 138 con bò bị bệnh, đang cách ly điều trị. Theo bà Nguyễn Thị Chính, cán bộ thú y xã, toàn xã có trên 7.000 con gia súc, chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông. Trong khi đó, 89% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thời gian qua lại thêm lo chống chọi với dịch bệnh COVID-19, không có điều kiện mua vắc xin tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đến nay, mới chỉ có khoảng 2% tổng đàn gia súc của xã được tiêm vắc xin phòng bệnh. Nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất lớn, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi, các loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, mòng... đang trong mùa sinh sản và phát triển.
Chủ động ứng phó
Để hỗ trợ người dân giảm thấp nhất thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, UBND xã Cư Pui đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; khuyến cáo các hộ chủ động nạo vét ao, hồ, gia cố bờ bao giữ nước và trữ nước khi mưa xuống, áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây lúa, huy động bơm máy từ các cơ sở và trong nhân dân để bơm nước cứu cây trồng… UBND xã cũng đã hỗ trợ tiền cho người dân mua dầu bơm nước từ suối lên để cứu lúa ở những vùng còn nước.
Người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông sử dụng máy bơm để tưới nước cứu cây trồng. |
Đối với bệnh viêm da nổi cục, UBND xã đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về các triệu chứng, cách phòng tránh và gửi cho từng thôn, buôn, hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn, chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc, chủ động cách ly những con bị bệnh để điều trị. Các thôn, buôn cũng vận động người dân đăng ký mua vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò.
Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Minh Nghiệp cho biết, UBND xã đã có báo cáo gửi Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông để kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, thống nhất giải pháp hỗ trợ. Trước mắt là hỗ trợ kinh phí mua dầu bơm tưới nước, giống lúa, bắp, phân bón để người dân gieo sạ lại khi có mưa. Đồng thời, hỗ trợ 2.300 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, hóa chất, thuốc thú y để tiêm cho đàn trâu, bò và chữa trị cho những con đang bị bệnh.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc