Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

17:16, 03/08/2021

Là địa bàn có số ca mắc COVID – 19 nhiều nhất tỉnh cho đến thời điểm hiện tại, huyện Cư Kuin đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp để siết chặt phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động các giải pháp

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện cho biết, tính đến ngày 3-8, toàn huyện đã ghi nhận 63 trường hợp nhiễm COVID – 19; có 657 trường hợp F1 đang theo dõi sức khỏe và cách ly, giám sát y tế (trong đó có 80 ca được cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện).

Nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người dân, huyện Cư Kuin đã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm "4 tại chỗ", góp phần giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế cấp tỉnh.

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện đã đưa khu tập kết các ca bệnh (F0) chưa có triệu chứng đi vào hoạt động. UBND huyện cũng đã chủ động kích hoạt khu cách ly tập trung F1 của huyện. Cụ thể: cơ sở cách ly tập trung tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện (với quy mô 100 người), hiện đã có 80 trường hợp F1 được tiếp nhận và cách ly tại đây. Huyện cũng đã trưng dụng trụ sở Trung tâm Y tế cũ để làm khu tập kết các ca bệnh (F0) chưa có triệu chứng; trưng dụng trụ sở Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình (thuộc Trung tâm Y tế) làm khu nghỉ ngơi, thay ca cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung huyện; trưng dụng Trung tâm dạy nghề để làm khu cách ly tập trung dự phòng.

ảnh
Lực lượng chốt kiểm soát xã Ea Bhốk phổ biến cho người dân quy định ra vào khu vực cách ly.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã khẩn trương siết chặt việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID – 19 trên toàn địa bàn, nhất là các buôn đang bị phong tỏa. Các xã cũng đã lập 128 chốt phòng, chống dịch bệnh trên các cửa ngõ. Huyện cũng đã thành lập một đoàn công tác gồm 12 người để tuyên truyền, vận động, đôn đốc, giám sát, duy trì trật tự của nhân dân tại các buôn đang thực hiện phong tỏa.

 
“Huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt công tác phát hiện, khoanh vùng, điều tra, truy vết; dập các ổ dịch đang phát sinh, đặc biệt là ổ dịch có nguy cơ lan rộng trên địa bàn. Phấn đấu không để phát sinh ca nhiễm mới ở các vùng chưa có nguy cơ, hoặc đang an toàn.” - ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin.
 
 

Tại xã Cư Êwi, đến thời điểm này, mặc dù vẫn chưa xuất hiện ca bệnh nào nhưng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã vẫn thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tổ chức phun khử khuẩn tại các điểm công cộng để ngăn ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có hơn 47% là người dân tộc thiểu số phía Bắc và trên 1.000 người dân đang làm việc tại các tỉnh thành phía Nam, trong đó có khoảng 95% đã trở về địa phương. Để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, xã đã thành lập 10 tổ phòng, chống dịch tại các thôn buôn; thành lập các tổ truyên truyền, tổ truy vết dịch bệnh COVID-19. Từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đến nay, xã đã xử lý 11 trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh với số tiền là 22 triệu đồng.

Bảo đảm an sinh cho người dân

Là địa bàn cửa ngõ, tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột, công tác phòng chống dịch bệnh được xã Ea Tiêu đặt làm nhiệm vụ trọng tâm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết, trên địa bàn xã có các chợ Việt Đức, Trung Hòa (giáp ranh xã Ea Ktur) và 19-8 (giáp ranh xã Ea Bhốk) với trên 400 hộ kinh doanh. Các khu chợ này đều nằm dọc Quốc lộ 27, lâu nay hoạt động kinh doanh sầm uất, dân cư đông đúc. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xã đã tạm dừng hoạt động chợ tạm tự phát, chỉ có những chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi có giấy phép kinh doanh và cam kết bảo đảm thực hiện các quy định phòng, chống dịch mới được mở cửa.

Huyện Cư Kuin hiện đã tổ chức phát phiếu đi chợ cho người dân một số nơi của xã Ea Ktur. Tại các chợ, số lượng tiểu thương giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40%, chủ yếu bán các mặt thiết yếu, số lượng khách đến chợ cũng giảm, còn khoảng 30% so với ngày thường. Về cơ bản, sản lượng hàng hóa trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho nhân dân trong thời gian tới.

ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Trạm y tế xã Ea Ktur

Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã kêu gọi ủng hộ từ các nguồn được trên 50 tấn gạo, hơn 100 triệu đồng, hàng chục tấn rau, củ, quả và nhu yếu phẩm các loại cùng trang thiết bị, dụng cụ y tế…; đã cấp phát cho người dân các buôn bị phong tỏa 5kg gạo/người và tất cả hộ nghèo trên địa bàn huyện 4kg gạo/người cùng các thực phẩm khác.

Theo ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, huyện sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng trong việc theo dõi, giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà đối với các trường hợp có yếu tố dịch tễ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Song song với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung về cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16; xử phạt thật nghiêm các trường hợp chống đối, vi phạm các quy định chống dịch.

Thuận Chuyên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.