Huyện Krông Pắc: Trợ lực để phụ nữ phát triển kinh tế
Với mục tiêu nâng cao thu nhập, phát huy nội lực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, Hội LHPN huyện đã từng bước củng cố nguồn nhân lực của Hội và thay đổi cách nghĩ, cách làm cho chị em. Cụ thể là phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng triển khai các đề án phát triển kinh tế cho 405 lượt cán bộ hội các cấp; phối hợp với Hội LHPN tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức kinh tế tập thể cho 61 chị em. Huyện hội tổ chức cho 25 cán bộ Hội cấp cơ sở tham quan, học tập kinh nghiệm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại Hợp tác xã Nhân An (xã Tân Tiến); tổ chức 13 lớp tuyên truyền kiến thức khởi nghiệp lồng ghép với tham quan và học tập kinh nghiệm mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới cho 922 chị em tham gia... Đặc biệt, thông qua các hội nghị, sinh hoạt định kỳ, Hội LHPN cấp cơ sở đã phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế cho 32.492 lượt chị em, giúp họ có những định hướng ban đầu trong phát triển kinh tế.
Cán bộ Hội LHPN huyện Krông Pắc tham quan mô hình nuôi heo của chị Phan Thị Cam (bên trái). |
Cùng với đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Krông Pắc cũng chỉ đạo và trực tiếp cùng các cơ sở hội khảo sát nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên; tư vấn, lựa chọn ngành nghề khởi nghiệp phù hợp; lựa chọn những ý tưởng khả thi để trao vốn vay từ nhiều nguồn khác nhau. Song song với đó, Hội còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho chị em…
Chị Phan Thị Cam (tổ dân phố 14, thị trấn Phước An) tâm sự, gia đình chị có 6 sào đất vườn cằn cỗi, chủ yếu là trồng bắp, đậu nhưng khó khăn về nguồn nước khiến năng suất cây trồng thấp, cuộc sống bấp bênh. Năm 2020, chị được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện cho vay 20 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Chị đã sử dụng số tiền này để mua thức ăn cho đàn heo 20 con (có 3 con heo nái). Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên heo phát triển tốt, giá heo cao ổn định nên năm 2020 gia đình thu về hơn 300 triệu đồng tiền lãi. Đến nay, đàn heo đã phát triển lên 30 con, trong đó có 5 con heo nái.
Không tham gia vay vốn ưu đãi, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc) luôn theo sát các phong trào phát triển kinh tế của phụ nữ. Chị Hồng chia sẻ, so với các thôn khác trong vùng thì đây là thôn nghèo, buộc chị em phải nỗ lực hơn để từng bước ổn định kinh tế gia đình. Căn nhà và mảnh vườn cà phê rộng 1,5 ha của gia đình nằm trên triền dốc nên việc trồng và chăm sóc các loại cây trồng rất khó khăn. Tình trạng đất xói mòn, sạt lở xảy ra thường xuyên khiến việc đầu tư phân bón, chăm sóc hằng năm như “muối bỏ bể”. Trước thực tế đó, chị đã bàn với gia đình trồng cây ăn quả, muồng chắn gió quanh vườn và hồ tiêu xen canh tạo nên một vành đai vững chắc bảo vệ vườn cây. Đồng thời, nuôi thêm dê để tận dụng phụ phẩm trong vườn làm thức ăn; lấy phân dê bón lại cho vườn cây nên cà phê, hồ tiêu sinh trưởng phát triển tốt, thu về 4,5 tấn cà phê, hơn 1 tấn hồ tiêu mỗi năm. Đến cuối năm 2019, khi có được số vốn 550 triệu đồng, chị tiếp tục đầu tư nhà nuôi yến rộng 120 m2. Thông thường, phải vài năm sau mới có tổ yến để thu, nhưng nhờ khí hậu được điều hòa bởi vườn cà phê xen canh, gia đình tuân thủ đúng kỹ thuật nên đầu năm 2021 đã thu về hơn 1 kg tổ yến...
Chị Nguyễn Thị Hồng (bên phải) ở thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc theo dõi mật độ yến qua hệ thống camera giám sát. |
Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Hội LHPN, nhiều mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn huyện Krông Pắc đã phát huy được nội lực của phụ nữ, đem lại hiệu ứng tích cực cho phong trào phát triển kinh tế địa phương. Điển hình như mô hình chăn nuôi gà sạch bằng nệm lót sinh học của các chị Hoàng Thị Hoa, Hoàng Thị Thanh Thúy, mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của chị Lê Thị Kim (thị trấn Phước An); mô hình nuôi gà thả vườn của chị Tô Thị Lực (xã Ea Phê); trồng rau an toàn của chị Phan Thị Oanh (xã Ea Kuăng); mô hình nuôi chim cút của chị Nguyễn Thị Hằng (xã Ea Kênh)... Đặc biệt, dự án tranh giấy xoắn của chị Lê Thị Mùi (xã Ea Kuăng) đã đoạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020. Năm 2021, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ chị Mùi 20 triệu đồng để tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp Trung ương.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc H’Yer Knul cho rằng, bước đầu chị em đã tiếp cận và từng bước mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhưng cái khó hiện tại vẫn là vấn đề đầu ra liên đới đến hiệu quả kinh tế hậu hỗ trợ. Chị em cần có các chính sách hỗ trợ nguồn lực và cơ chế đặc thù cho các mô hình "thay đổi nếp nghĩ cách làm", ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ như: trợ giá các mặt hàng sản phẩm nông sản, vật tư nông nghiệp… trước thách thức của thiên tai, dịch bệnh và hội nhập.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc