Những gian hàng san sẻ yêu thương
Với thông điệp nhân văn và đầy ý nghĩa “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, mô hình “Siêu thị 0 đồng” đã được nhiều đơn vị tổ chức nhằm hỗ trợ, động viên người dân khó khăn vượt qua đại dịch.
Nối dài hành trình
Từ ngày 14 đến 17-8, “Siêu thị mini 0 đồng” do Tỉnh Đoàn, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Chi nhánh PNJ Tây Nguyên – Nam Trung Bộ tổ chức đã tặng 500 phiếu mua hàng với tổng trị giá 180 triệu đồng cho người lao động tự do, thuê trọ, người có công việc không ổn định và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, người bệnh tật, neo đơn… Người dân đến siêu thị có thể chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm như: gạo, sữa, đường, nước mắm, dầu ăn, rau củ tươi sống…
Ông Trần Thiệu Nhã, Giám đốc Chi nhánh PNJ Tây Nguyên – Nam Trung Bộ cho biết, đơn vị dự kiến sẽ phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tổ chức thêm các chương trình để hỗ trợ người dân khó khăn tại các địa phương.
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người khiếm thị mua hàng tại "Siêu thị 0 đồng". |
Khởi động từ ngày 8-8, đến nay “Siêu thị 0 đồng” của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ hơn 700 phiếu đi chợ cho người dân khó khăn ở các phường Thành Công, Thống Nhất, Tân Tiến, Thành Nhất, Ea Tam và các xã Cư Êbur, Hòa Xuân, Hòa Khánh, Hòa Phú. Đến "Siêu thị 0 đồng", ngoài các phần nhu yếu phẩm gói sẵn thì người dân còn được lựa chọn thêm thịt, cá, rau củ, trái cây.
“Siêu thị 0 đồng” là hoạt động nằm trong chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch” do Tỉnh Đoàn phát động nhằm hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn. Hiện nay, các tổ chức cơ sở Đoàn - Hội đang tiếp tục kêu gọi, huy động kinh phí để tổ chức, duy trì hoạt động. Ngoài hỗ trợ mua hàng miễn phí, chương trình còn hỗ trợ giao hàng tận nơi dành cho người dân trong khu vực phong tỏa, những người gặp vấn đề về sức khỏe không thể tự đến điểm mua hàng.
|
Bên cạnh đó, siêu thị còn chuẩn bị sẵn các phần quà để tại địa chỉ 85 Phan Bội Châu để hỗ trợ những người lao động nghèo, ở trọ gặp khó khăn do dịch bệnh. Chị Hoàng Thị Minh Hiền, Bí thư Đoàn phường Thống Nhất chia sẻ: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, Chương trình nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ tiền mặt cũng như các nhu yếu phẩm để cùng chung tay với địa phương sẻ chia với bà con khó khăn trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19”.
Tương tự, "Gian hàng 0 đồng" của Đoàn phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cũng bày “bán” các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do thất nghiệp. Sau 3 ngày tổ chức, gian hàng đã hỗ trợ gần 400 suất mua hàng miễn phí cho người dân trên địa bàn.
Ấm lòng người dân lúc khó khăn
Là một trong những khách hàng đầu tiên đến với "Siêu thị mini 0 đồng", bà Hồ Thị Sa (phường Tự An) rất vui khi được lựa chọn các sản phẩm thiết yếu cho gia đình. Chồng mất sớm, bà Sa làm nghề thu mua ve chai để nuôi ba đứa con cùng hai cháu ngoại. Vốn là hộ nghèo ở địa phương, khi dịch ập đến, công việc tạm ngừng khiến gia đình bà càng gặp nhiều khó khăn, hơn một tuần nay bà phải vay mượn hàng xóm để trang trải chi tiêu ở mức tối thiểu.
Đoàn thanh niên phường Thống Nhất hỗ trợ trao quà từ "Siêu thị 0 đồng" cho người dân khó khăn. |
“Phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng nhưng tôi mua được rất nhiều đồ dùng. Món quà đến đúng thời điểm khi gia đình tôi rất cần những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày. Tôi thật sự rất xúc động, cảm ơn sự quan tâm của các đơn vị, mạnh thường quân có mặt kịp thời để chia sẻ, hỗ trợ người lao động khó khăn”, bà Sa bày tỏ.
Gần 2 tháng qua, cơ sở massage người mù An Tâm của anh Cao Văn Báu (số 19 Chu Huy Mân, TP. Buôn Ma Thuột) phải ngưng hoạt động. Cơ sở hiện có ba nhân viên có nhà đều ở tỉnh khác nên chưa thể về. Để duy trì sinh hoạt hằng ngày, anh Báu phải thắt chặt mọi chi tiêu nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, Tỉnh Đoàn đã bố trí đội hình “Shipper xanh” đưa mọi người từ cơ sở đến tận siêu thị để lựa chọn thực phẩm.
Anh Báu xúc động chia sẻ: “Các bạn tình nguyện viên ở đây hướng dẫn rất nhiệt tình. Chúng tôi được phục vụ như những người tới mua hàng chứ không giống như đến nhận hỗ trợ. Ngoài lựa chọn đồ dùng cần thiết tại siêu thị, chúng tôi còn được nhận thêm mỗi người một thùng mì và một túi gạo 5 kg. Số hàng này có thể giúp cho mọi người trong 1 - 2 tuần tới không cần đi chợ”.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc