Multimedia Đọc Báo in

Những “nhịp cầu” trong siêu bão COVID-19 (kỳ 1)

08:18, 24/08/2021

Xông xáo, nhiệt tình, trách nhiệm, không nề hà khó khăn, nguy hiểm, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên ở cơ sở thực sự là những “mũi giáp công” trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19". Sát cánh cùng nhau vừa chống dịch vừa chăm lo cuộc sống nhân dân, họ đã trở thành những “nhịp cầu” kết nối niềm tin vượt qua đại dịch.

Những quyết sách “chống giặc” thời bình

Không để bị động, bất ngờ, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền đã chủ động xây dựng nghị quyết và kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của "giặc COVID-19".

Cả hệ thống chính trị cùng "xông trận"

Trên quãng đường hơn 3 km từ trung tâm xã đi vào tâm dịch ở buôn Khóa (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), điện thoại của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Tâm đổ chuông liên tục với những cuộc gọi đến xin ý kiến chỉ đạo các tình huống phát sinh.

Bí thư Tâm cởi mở: “Nếu Đảng ủy xã không chủ động xây dựng nghị quyết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã không có kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể thì có lẽ Cư Pui đã “vỡ trận” chứ không thể khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng được”.

"Bếp ăn 0 đồng" do Chi hội Phụ nữ buôn Blắk (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) đảm nhận để hỗ trợ người dân ở khu cách ly tập trung trên địa bàn xã.

Xác định “chống dịch như chống giặc”, ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã Cư Pui đã đưa công tác phòng, chống dịch vào nhiệm vụ trọng tâm trong nghị quyết với những giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho từng đồng chí cấp ủy, ban thường vụ; chỉ đạo thành lập tổ xung kích và 13 tổ COVID-19 cộng đồng ở 13 thôn, buôn; huy động lực lượng phối hợp tổ chức tuyên truyền lưu động, nắm bắt số lượng người đi, đến địa phương, khai báo y tế, cách ly tại nhà...

Khi buôn Khóa có 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là người trở về từ tỉnh  Bình Dương và nhanh chóng lây lan cho 26 người trong buôn, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa toàn bộ hệ thống chính trị vào "trận chiến" mới, chuyển từ thế phòng thủ sang chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh.

Với phương châm “Chống dịch hiệu quả, không để dân đói, khát”, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của huyện, xã Cư Pui nhanh chóng thành lập 6 chốt chặn, quản lý chặt địa bàn theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; thành lập 6 khu cách ly tập trung; tổ công tác đặc biệt do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã làm tổ trưởng chỉ đạo chung công tác khoanh vùng, truy vết, chống dịch tại buôn Khóa. Rút kinh nghiệm từ "tâm dịch" buôn Khóa với 28 ca dương tính, xã Cư Pui cũng tập trung khoanh vùng, truy vết, cách ly những trường hợp tiếp xúc với 4 ca dương tính từ tỉnh Bình Dương trở về tại buôn Phung, buôn Khanh và thôn Dhung Knung.

Với quyết tâm không để dân đói, khát, Đảng ủy xã Cư Pui đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, Hội LHPN xã đứng ra kêu gọi, vận động, tổ chức các “bếp ăn 0 đồng” phục vụ lực lượng phòng, chống dịch, người dân các khu cách ly tập trung; cung cấp toàn bộ lương thực, nhu yếu phẩm cho tất cả các hộ dân buôn Khóa và những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 12 thôn, buôn còn lại trong suốt 25 ngày phong tỏa. Sự chủ động và vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã đưa các thôn, buôn và người dân xã Cư Pui trở lại sinh hoạt bình thường từ ngày 17-8.

Đội xe thuộc Tổ hậu cần, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) chở hàng hỗ trợ người dân khu vực bị phong tỏa.

Giữ an toàn vùng “xanh”, ngăn chặn lây lan trong vùng “đỏ”

Cùng với nghị quyết chung về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đảng ủy xã Cư Bông (huyện Ea Kar) đã thảo luận, ban hành nghị quyết hằng tháng sát với diễn biến tình hình dịch. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã xây dựng kịch bản theo từng trường hợp có ca dương tính ở 1 xóm, 1 thôn, 3 thôn, toàn xã. Theo đó, khi trên địa bàn có ca dương tính với SARS-CoV-2, cả hệ thống chính trị của xã Cư Bông không bị động, bất ngờ mà sẵn sàng “ai vào việc nấy”.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Cư Bông Nguyễn Hồng Khôi cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện về khoanh vùng, truy vết, cách ly không để dịch lây lan, Đảng ủy, Ban Chỉ đạo xã quyết tâm đánh “giặc COVID-19" với phương châm “giữ an toàn vùng “xanh”, ngăn chặn lây lan trong vùng “đỏ”.

Ngay sau khi huyện có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế, thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 tại thôn 20 và phong tỏa, cách ly y tế đối với 44 hộ, 146 khẩu thuộc xóm 2A và một phần khu dân cư thuộc xóm 2B (thôn 20), xã Cư Bông đã thành lập 4 chốt kiểm soát dịch tại 4 cửa ngõ ra, vào thôn nhằm khóa chặt vùng “đỏ”, thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với khu vực xóm 2A và một phần xóm 2B. Những thôn, buôn khác, người dân được đi lại trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm nhu cầu cuộc sống và phát triển sản xuất. Nhờ vậy, xã Cư Bông đã giữ được an toàn cho vùng “xanh”.

Với phương châm “khóa vùng đỏ, giữ vững vùng xanh”, ngay sau khi trên địa bàn xã có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại thôn 6, thôn 7 (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc), Huyện ủy, UBND huyện, các ngành, đoàn thể huyện Krông Pắc và hệ thống chính trị của xã Vụ Bổn đã vào cuộc quyết liệt, tập trung khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui (huyện Krông Bông) Nguyễn Văn Tâm (bìa trái) cùng nhân viên Trạm Y tế xã kiểm tra sức khỏe của người F0 được điều trị khỏi, tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà.

Ngoài tổ công tác đặc biệt của huyện do Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng và 3 chốt “mở” do huyện thành lập để kiểm soát, quyết định các trường hợp được ra, vào địa bàn xã, Đảng ủy xã Vụ Bổn đã thành lập tổ công tác đặc biệt xã do Phó Chủ tịch HĐND xã là tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác chống “giặc COVID-19” tại tâm dịch. Đồng thời, Đảng ủy xã thành lập thêm 19 tổ chốt chặn tại tất cả các cửa ngõ giao thương, giáp ranh trên địa bàn xã. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Nhượng, 19 tổ kiểm soát của xã được xem như là những chốt “đóng” vừa chốt chặn, không cho người ra vào, vừa tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở theo địa bàn phụ trách nhằm giữ an toàn cho các vùng “xanh”, không để dịch lây lan.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại thôn 6 và thôn 7, Đảng ủy xã cũng đã chỉ đạo thành lập tổ truy vết, tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, tổ hậu cần, tổ chính sách, tổ hỗ trợ sản xuất nhằm khoanh vùng, truy vết, ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bảo đảm cuộc sống của người dân trong vùng “đỏ”.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.