Multimedia Đọc Báo in

Tấm gương sáng về lòng dũng cảm của thiên tài Stephen Hawking

13:53, 29/08/2021

Stephen Hawking sinh ngày 8-1-1942 ở thành phố Oxford, nước Anh. Ông là anh cả trong một gia đình có 4 anh em. Cha ông nghiên cứu y học, mẹ ông là một trong những nữ sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Oxford. Hawking vào Đại học Cambridge để chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn về khoa Thiên văn.

Năm 1963, vừa tròn 21 tuổi, Hawking vào đại học thì được chẩn đoán mắc chứng bệnh Lou Gehrig’s (xơ cứng teo cơ). Đây là một bệnh thần kinh tiến triển, gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động, khiến cho não và cột sống không thể điều khiển các cơ tự chủ. Bệnh này tiến triển dần, khoảng 50% số người bệnh tử vong trong vòng 5 năm sau khi phát hiện bệnh và khoảng 90% tử vong sau 6 năm. Các bác sĩ điều trị cho Hawking tiên lượng ông chỉ có thể sống tối đa thêm 3 năm nữa.

Căn bệnh làm giảm khả năng kiểm soát cơ thể, khiến Hawking chỉ có thể động đậy năm ngón tay và cử động mắt, rồi ông gắn bó luôn với chiếc xe lăn. Năm 1985, Hawking phải nhập viện vì bị nhiễm trùng. Cuộc phẫu thuật mở khí quản khiến ông mất hẳn giọng nói, và ông liên hệ với thế giới bên ngoài qua máy điện toán.

Điều kỳ diệu là bệnh tật dường như không ảnh hưởng đến trí tuệ cũng như khả năng tư duy của Hawking. Hawking chủ trương sống lạc quan, luôn hòa nhã với mọi người. Ông chia sẻ về những quan niệm sống của mình: “Hãy nhớ ngước nhìn lên những vì sao và đừng cúi gằm xuống chân bạn. Hãy cố hiểu những gì bạn thấy và những điều giúp hành tinh này tồn tại”.

Nhà khoa học Stephen Hawking. Ảnh: AFP

Hawking có hai đời vợ, ba cô con gái. Ông mất ngày 14-3-2018, hưởng thọ 76 tuổi. Ông Ammar A.L Chalabi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chăm sóc người bệnh Lou Gehrig’s ở thủ đô Luân Đôn cho biết: “Tôi chưa từng biết bất kì một người nào mắc bệnh Lou Gehrig’s lại sống lâu thêm đến như vậy. Tuổi thọ 76 của Hawking là một điều phi thường”.

Song, có một điều phi thường hơn là: Hơn 50 năm kiên cường chiến đấu với bệnh tật cũng là chừng ấy thời gian Hawking đắm mình trong đam mê nghiên cứu khoa học và tạo nên những thành tựu rực rỡ, đến mức trong bài báo tiễn biệt ông, tờ The Guardian của Anh đã gọi ông là “Ngôi sao sáng nhất trong ngành vũ trụ học hiện đại”.

Hawking từng là Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ học của Đại học Cambridge, và 30 năm liền giữ cương vị Giáo sư Lucasian, chức danh dành cho Giáo sư toán học tại trường này. Trong suốt cuộc đời mình, Hawking đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu cho ngành vật lý và khoa học vũ trụ. Giới vật lý lý thuyết và vật lý thiên văn đều coi các lý thuyết và công trình nghiên cứu của Hawking là di sản của nhân loại.

Những năm 70 của thế kỷ trước, công trình về lỗ đen của Hawking là kết nối quan trọng trong ngành vật lý. Trước ông, thuyết tương đối của nhà khoa học Albert Einstein và thuyết cơ học lượng tử thường mâu thuẫn nhau. Chỉ đến khi bức xạ của lỗ đen vũ trụ được khám phá và được đặt tên là “bức xạ Hawking”, người ta mới công nhận sự liên quan của hai lý thuyết nói trên.

Một trong số những thành tựu khoa học nổi bật của Hawking là ông đã chứng minh sự tồn tại của “điểm kì dị không gian – thời gian”. Cùng nhà toán học Anh Roger Penrose, ông đưa ra lý thuyết nguồn gốc của vũ trụ là một điểm kì dị không gian – thời gian. Ở đó, mật độ của vật chất và độ cong của không gian – thời gian là vô tận. Tháng 1-1971, ông cùng hai đồng sự tìm ra bốn định luật cơ học lỗ đen. Ông còn đóng góp định lý về sự giãn nở của vũ trụ. Những phát hiện mới của Hawking về sự hình thành của vũ trụ thu hút giới khoa học. Năm 1983, Hawking nêu lý thuyết cho rằng thời gian chưa xuất hiện trước khi vụ nổ Bigbang xảy ra. Do đó, khái niệm về sự bắt đầu của vũ trụ là vô nghĩa, bởi vũ trụ vốn không có giới hạn không gian – thời gian ban đầu. Đây là mệnh đề nổi tiếng nhất về thời kì sơ khai của vũ trụ. Năm 1988, ông ra mắt cuốn “A Brief History of Time” (Lược sử thời gian). Cuốn sách đã bán được hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới.

Từ cuộc đời và sự nghiệp của Stephen Hawking là tấm gương sáng về lòng dũng cảm của một trí tuệ thiên tài.

Nguyễn Trúc (khảo cứu, tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.