Chuyện trở về từ vùng tâm dịch
Thời gian qua, trước làn sóng của dịch COVID-19, nhiều địa phương ở các tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài. Nỗi lo dịch bệnh, thất nghiệp cùng gánh nặng mưu sinh bủa vây khiến hàng nghìn người dân Đắk Lắk đến lao động và làm việc tại đây bất đắc dĩ phải khăn gói hành lý, quyết định hồi hương…
Đã hơn một tháng trở về từ vùng tâm dịch Bình Dương, tuy vậy anh Đỗ Tuấn Hưởng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) vẫn nhớ như in những cảm xúc vui buồn lẫn lộn, đan xen trên hành trình về đến quê nhà. Đối với anh, có lẽ đó là hành trình đáng nhớ nhất của mình trong những năm tháng vừa qua.
Anh Hưởng chia sẻ, vợ chồng anh vào Bình Dương làm việc đã gần ba năm nay. Khi tình hình dịch COVID-19 ở Bình Dương trở nên căng thẳng, gần hai tháng trôi qua, anh không thể đi làm mà chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, vợ lại đang mang bầu tháng thứ tám, ngày “vượt cạn” đã đến rất gần. Mỗi ngày, những nỗi lo dồn dập cứ thế ùa về trong tâm trí khiến vợ chồng anh “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Những công dân được đón về từ vùng dịch xách theo hành lý để chuẩn bị đi cách ly tập trung. |
“Lúc ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ là làm sao đảm bảo sức khỏe và vợ mình có thế sinh con an toàn, tuy vậy, chỗ tôi ở khá xa bệnh viện, lại đang ở trong vùng dịch khiến bản thân cảm thấy rất bất an. May sao, lúc đó tôi nhận được tin chính quyền Đắk Lắk có kế hoạch đón công dân ở vùng dịch về địa phương, tôi liền nhờ người thân đăng ký với hy vọng có thể đưa vợ về quê nhà”, anh Hưởng tâm sự.
Sau một thời gian chờ đợi, ngóng trông, vợ chồng anh như vỡ òa sung sướng khi có tên trong danh sách được đón về địa phương. Ngày 15-8, sau khi hoàn tất các thủ tục, anh và vợ cùng gần 400 công dân khác bước lên xe ô tô để về Đắk Lắk. Những chuyến xe chở theo bao hy vọng, cùng niềm vui của những người con xa xứ ngày trở về cứ thế nối đuôi nhau lăn bánh. Khi về đến TP. Buôn Ma Thuột, anh Hưởng cùng vợ được đưa đi cách ly tại khu cách ly Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. Tuy vậy, chỉ mới khoảng một tuần trôi qua thì vợ anh có dấu hiệu chuyển dạ nên đã được cán bộ, nhân viên khu cách ly giúp đỡ đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và hạ sinh được một cô con gái. Để đảm bảo an toàn, con gái anh được bà nội đưa về nhà tại huyện Krông Năng chăm sóc, còn vợ anh khi sức khỏe ổn định thì được đưa vào khu cách ly để tiếp tục hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Anh Hưởng trải lòng, quãng thời gian ấy, bản thân thật sự đấu tranh với quá nhiều cung bậc cảm xúc: từ lo lắng khi vợ đi sinh mà mình không thể đi cùng; đến bồi hồi, nhớ nhung khi chưa thể gặp mặt con gái đầu lòng; thương con vừa sinh ra nhưng không được bố mẹ ở cạnh dỗ dành, bồng bế... Mong ngóng mãi, thời gian cách ly tập trung cũng đã hết, sau khi thực hiện các xét nghiệm để đảm bảo điều kiện sức khỏe, anh và vợ được đưa về địa phương và tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà. Lúc này, ở trong ngôi nhà của mình, được nhìn thấy mặt con gái anh Hưởng mới thật sự thở phào nhẹ nhõm.
Bên cạnh những công dân được tỉnh Đắk Lắk tổ chức đón về từ tâm dịch như gia đình anh Hưởng, trước đó, nhiều lao động Đắk Lắk đã vượt hàng trăm cây số để về quê bằng phương tiện cá nhân. Từng hòa mình vào dòng người ấy, trong ký ức của chị Ngô Thị Phượng (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) vẫn ẩn hiện những hình ảnh về lần trở về quá đỗi đặc biệt này.
Chị Phượng bộc bạch, hơn một năm nay, chị cùng con gái vào làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương, còn chồng và người con út ở lại huyện Cư M’gar. Ở trọ xa nhà, dịch bệnh ập đến khiến cuộc sống của những người lao động xa quê như chị trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Không đi làm, hằng ngày ở trong phòng trọ cầm điện thoại xem tin tức thấy số ca nhiễm ngày càng tăng cao, cộng với tiếng còi hụ chát chúa vang lên từ những chuyến xe cứu thương mỗi lúc một nhiều quanh khu vực sinh sống khiến mọi người thực sự ám ảnh và khao khát được về nhà. Sau một tháng cầm cự tại Bình Dương, đến cuối tháng 7, chị Phượng quyết định đi làm các thủ tục xét nghiệm và cùng con gái trở về Đắk Lắk.
Tình nguyện viên xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar) chuẩn bị các suất cơm cho khu cách ly tập trung của xã. |
Lúc ấy, dòng người dài cả cây số tiếp nối nhau di chuyển trên đường dưới sự “hộ tống” của lực lượng chức năng, ai cũng trùm kín mít, lỉnh kinh va li, đồ đạc. Nhiều em bé còn rất nhỏ cũng theo bố mẹ vượt quãng đường dài khiến chị Phượng không khỏi chạnh lòng. Trên đường về, những nỗi lo như chẳng may bị nhiễm bệnh hay lỡ tiếp xúc với F0, rồi chi phí cho việc cách ly và quãng thời gian sắp tới… cứ luôn thường trực trong đầu chị Phượng. Thật may, khi về đến xã Ea M’droh và đi cách ly tập trung, được sự quan tâm của chính quyền cùng các nhà hảo tâm, chị cùng con gái đã không phải đóng bất kỳ khoản phí nào và yên tâm hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Giờ đây, khi đã trở về quê nhà an toàn, hoàn thành thời gian cách ly, những người như chị Phượng, anh Hưởng lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn phía trước trong công cuộc mưu sinh. Tuy vậy, đối với mỗi người, được khỏe mạnh và trở về đoàn tụ cùng gia đình trong khoảng thời gian này có lẽ là điều hạnh phúc nhất. Ai cũng chỉ mong sao dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, đẩy lùi để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc