Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

08:25, 23/09/2021

Việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện ở nhận thức của những người làm công tác bảo hiểm, đến các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục và đặc biệt là các bậc phụ huynh đã tích cực tuyên truyền, vận động, ủng hộ học sinh, sinh viên tham gia. Trong đó, phải kể đến việc cộng đồng trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế ở các trường học.

Những năm trước đây, phần lớn giáo viên, nhân viên nhà trường chỉ cho rằng đây là nhiệm vụ "nhân tiện" những buổi họp đầu năm học thông tin để ai muốn thì tham gia. Nhưng hiện nay, việc tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã là ý thức trách nhiệm của các thầy, cô giáo; qua đó, đã nhận được sự đồng tình của các bậc phụ huynh.

Giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) tuyên truyền chính sách BHYT cho học sinh trong năm học 2020 - 2021.

Tại Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo), vào mỗi dịp đầu năm học mới, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh tham gia BHYT cho con em thông qua các buổi họp phụ huynh; qua mạng xã hội; lồng ghép tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ; đặc biệt, linh hoạt các khoản thu và thời gian đóng để giảm gánh nặng chi phí đầu năm học cho gia đình các em. Nhờ đó, nhiều năm qua, trường đều đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT.

Theo chia sẻ của chị Mai Thị Hoa Phượng, nhân viên y tế tại Trường THPT Phan Chu Trinh, nhóm học sinh, sinh viên có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Bên cạnh việc được chi trả khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, các em còn được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường như sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập.

Tại huyện Buôn Đôn, năm học 2020 - 2021 vừa qua, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT tại các trường đều đạt 100%. Có được kết quả đó, BHXH huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như chủ động phối hợp với các ban, ngành và địa phương chủ động liên hệ, phối hợp trực tiếp với các trường trong thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên; đẩy mạnh tuyên truyền để giáo viên, các bậc phụ huynh thấy được trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT học sinh, sinh viên; in phát tờ gấp về “Những điều cần biết khi tham gia BHYT học sinh, sinh viên” gửi các trường để tuyên truyền đến học sinh và các bậc phụ huynh hiểu hơn về ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHYT…

Nhân viên y tế Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) chăm sóc sức khỏe học sinh trong năm học 2020 - 2021.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT thuộc diện bắt buộc tăng dần qua mỗi năm học. Cụ thể, năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 184.565/192.857 em tham gia (đạt 95,7%), tăng 7,1% so với năm học 2018 - 2019; năm học 2020 - 2021 có 192.747/199.418 em tham gia (đạt 96,65%). Năm học 2021 - 2022, BHXH tỉnh hướng đến 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu đó ngoài nỗ lực của ngành BHXH đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc của cả cộng đồng; trong đó, đóng vai trò quan trọng vẫn là ý thức, trách nhiệm của nhà trường và gia đình.

Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT; tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng khi sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh… Đặc biệt, từ tháng 6-2021, người tham gia BHYT (trong đó có học sinh, sinh viên) có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID-BHXH số thay cho thẻ BHYT giấy để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Qua đó, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian, không còn lo thủ tục khám chữa bệnh sẽ khó khăn khi mất hay hư hỏng thẻ BHYT giấy.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.