Multimedia Đọc Báo in

Bạn đồng hành của phụ nữ

06:56, 22/11/2021

Những năm qua các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động, phong trào, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Đẩy mạnh hoạt động hướng về vùng khó khăn

Buôn Tung Krăk (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Để cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” phát huy hiệu quả tại địa phương, Hội LHPN xã đã tập trung nguồn lực cùng Chi hội phụ nữ buôn xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm hay cùng hội viên, phụ nữ nơi đây thay đổi những thói quen chưa tốt, chăm lo sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Nhằm giúp chị em trong buôn phát triển kinh tế, Chi hội đã xây dựng nhóm “Tín dụng tiết kiệm" với 17 thành viên, đóng góp được 54 triệu đồng, giúp 11 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay vốn không tính lãi; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 115 hộ hội viên nghèo, cận nghèo, khó khăn vay trên 5,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi này, hội viên có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng các mô hình làm kinh tế có hiệu quả như tái canh cà phê, cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Qua 5 năm triển khai cuộc vận động, Chi hội đã giúp 5 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Krông Na, huyện Buôn Đôn tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Đồng hành cùng cán bộ, hội viên, phụ nữ, người dân vùng biên, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, có sức lan tỏa, góp phần đáng kể trong việc làm thay đổi đời sống của chị em nơi đây.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường cho hay: Thời gian qua, Hội đã triển khai kế hoạch “Hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ các xã biên giới phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững" (Mô hình 1+6); phân công 150 đơn vị, cơ sở Hội giúp đỡ hộ phụ nữ nghèo 4 xã biên giới với các phần việc như xây dựng “Mái ấm biên cương”, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ mô hình sinh kế; tổ chức các hoạt động an sinh xã hội; tập huấn kiến thức phòng chống ma túy, "5 không, 3 sạch", pháp luật về bảo vệ quy chế biên giới…

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình không chỉ giúp 165 hộ phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn 4 xã biên giới của tỉnh thoát nghèo mà còn khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực của hội viên phụ nữ tại cơ sở, giúp phụ nữ và trẻ em có được những cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các điều kiện vật chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Gắn kết hội viên

Xây dựng cơ sở, chi hội xuất sắc, điển hình là một trong những mục tiêu mà các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, đặc biệt ưu tiên địa bàn các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.

 

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, các cấp Hội cần chủ động, sáng tạo giúp phụ nữ khẳng định vai trò, vị trí và tiềm năng trên các lĩnh vực nhằm không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phong trào phụ nữ phát triển toàn diện; xứng đáng là điểm tựa tin cậy của hội viên, phụ nữ”

 

Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

Một trong những giải pháp thực hiện là rà soát, nắm chắc số hội viên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội.

Trong đó, chú trọng tập hợp đối tượng phụ nữ cao tuổi, thanh niên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ ở vùng khó khăn và những nơi có tỷ lệ hội viên thấp. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của các mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm theo hướng thiết thực, hiệu quả. Xây dựng và duy trì 175 loại hình, câu lạc bộ phụ nữ gắn với nhu cầu, sở thích và phù hợp với từng nhóm phụ nữ với 3.703 thành viên.

Hội đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, đặc biệt là thành lập 72 tổ tư vấn cộng đồng, xây dựng trang “Tư vấn pháp luật online miễn phí” trên Facebook để tư vấn trực tiếp cho hội viên, phụ nữ.

Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana chia sẻ: “Để Hội Phụ nữ thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của chị em, mỗi cán bộ Hội tại cơ sở phải là người bạn đồng hành, là tuyên truyền viên tích cực vận động chị em tham gia thực hiện tốt các mục tiêu, đề án, nhất là chương trình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, nhằm giúp hộ phụ nữ nghèo có việc làm ổn định và thoát nghèo bền vững”.

Đại diện CLB Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ bò sinh sản cho phụ nữ khó khăn tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp.

Thông qua các loại hình, hoạt động thu hút phụ nữ, nhiệm kỳ qua, Hội đã phát triển được 21.927 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 246.006 người. Trong đó, có 95,6% cơ sở đã tập hợp được từ 50% phụ nữ độ tuổi từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.