Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát bệnh tim mạch trong mùa dịch COVID-19

11:22, 10/12/2021

Bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu, bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim…

Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong do các bệnh thông thường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người mắc các bệnh tim mạch càng cần chú trọng chăm sóc sức khỏe hơn.

Theo thống kê của Viện Tim mạch, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Trong đại dịch COVID-19, bệnh tim mạch được xếp vào nhóm bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là đái tháo đường hơn 7%, kế tiếp là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.

Người bệnh tim mạch cần theo dõi, tái khám với bác sĩ để được chăm sóc và điều trị hiệu quả nhất. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ chuyên khoa tim mạch, lý do người bệnh tim mạch mắc COVID-19 tử vong cao là bởi khi vi rút SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ kích hoạt bệnh tim tiềm ẩn và gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở mạch máu và cơ tim dẫn tới cơn đau tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp tính, suy tim cấp. Bên cạnh đó, chức năng tim suy yếu, người bệnh vốn đã khó thở, mệt mỏi vì bệnh tim mạch sẵn có, nay lại càng khó thở hơn vì COVID-19 gây hội chứng viêm phổi cấp, khiến họ không đủ sức chống chọi với dịch bệnh. Nếu bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tiến triển bệnh của họ sẽ nặng hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn so với người bình thường. Vì thế, ở thời điểm này, người bệnh tim mạch cần đặc biệt chú trọng nâng cao sức khỏe, kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người mắc bệnh tim mạch có xu hướng không đi khám bệnh vì sợ nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Điều này khiến sức khỏe nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được thăm khám kịp thời. Như trường hợp bà H’Ben Êban (65 tuổi, ở xã Ea Na, huyện Krông Ana) gần đây thấy tức ngực trái, lúc nghỉ ngơi cũng đau, đau lan lên cổ, cằm, vai, cánh tay hay sau lưng; trong cơn đau kèm vã mồ hôi, hốt hoảng, khó thở, bứt rứt, tim đập nhanh, hồi hộp… Song, do sợ dịch bệnh COVID-19, bà không đến cơ sở y tế khám bệnh mà tự ý mua thuốc giảm đau về uống. Đến khi bệnh tình không giảm mà triệu chứng đau, khó thở ngày càng tăng thì người nhà mới đưa bà H’Ben đến Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột; qua thăm khám, bác sĩ cho biết bà bị suy tim cần phải nhập viện và điều trị ngay. Hay như ông Y Blim Niê (trú thôn 4, xã cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) mới đây phải đi cấp cứu trong tình trạng nửa người bên trái tê yếu gần như không cử động được. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đánh giá tình trạng rất nghiêm trọng do ông Y Blim Niê có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp. Dù căn bệnh này cần phải uống thuốc thường xuyên nhưng sợ nhiễm bệnh COVID-19, ông Y Blim đã không đến bệnh viện tái khám để lấy thuốc về uống theo định kỳ. Cũng may là được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông mới qua cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Y Blim Niê đang điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đình Thi

Bác sĩ Trần Thanh Quý, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhiều người bị tăng huyết áp, sau một thời gian điều trị, huyết áp trở về bình thường nên cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khi huyết áp của bệnh nhân về bình thường có nghĩa là huyết áp đang được kiểm soát tốt bởi chế độ dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh cần điều trị duy trì với liều lượng thích hợp mà không được tự ý ngưng dùng. Thông thường, bác sĩ không cho ngưng thuốc mà có thể điều chỉnh chế độ dùng thuốc. Bệnh nhân không thể quyết định được loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng trong sự điều chỉnh này. Chỉ bác sĩ mới có thể điều chỉnh liều thuốc và người bệnh cần được theo dõi, tái khám bởi bác sĩ tim mạch để được chăm sóc và điều trị hiệu quả nhất.

Song song với chế độ điều trị dùng thuốc, hầu hết các bệnh nhân tim mạch cần phải thay đổi, điều chỉnh lối sống, chế độ làm việc sao cho bớt stress; tập thể dục với cường độ thích hợp; ngưng hút thuốc lá, chế độ ăn giảm muối, giảm chất béo. Đặc biệt, người bệnh tim mạch cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất khả năng mắc bệnh như: tuân thủ 5K, tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Liên Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.