Bảo vệ trẻ ngay từ trong gia đình
Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Càng đau xót hơn khi biết những đứa trẻ ấy bị chính cha mẹ ruột, người thân quen đánh đập, thóa mạ, thậm chí bị cướp đi sinh mạng khi còn quá bé bỏng…
Dư luận đang vô cùng bức xúc trước vụ việc một bé gái 8 tuổi ở một chung cư bị bạo hành dẫn đến tử vong, trên người chi chít vết thương mới và cũ. Theo thông tin ban đầu, bố mẹ cháu đã ly hôn, cháu ở với bố và người tình của bố. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra rằng, bố cháu ở đâu khi con phải chịu những đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần? Cư dân chung cư đã làm gì khi nghe thấy tiếng khóc thét của con trẻ trong một thời gian dài? Ban quản lý tòa nhà đã xử lý như thế nào khi nghe phản ánh sự việc bé gái bị đánh đập nhiều lần? Phải chăng chính sự thờ ơ, thiếu triệt để trong giải quyết vấn đề đã gây nên sự việc quá đau lòng này?
Không riêng vụ việc nói trên, những vụ việc bạo hành trẻ em vẫn xảy ra không ít trong thực tế. Chỉ cần gõ từ khóa “bạo hành trẻ em”, trong vòng 0,41 giây, Google đã cho ra 33.100.000 kết quả. Hầu hết các vụ việc được phát hiện khi đã để lại hậu quả nặng nề về mặt tinh thần cũng như sức khỏe của trẻ. Nhưng đó mới là những vụ việc đã được đưa ánh sáng, thực tế vẫn còn rất nhiều vụ chưa được phát hiện, hoặc bị chính gia đình, người thân ém nhẹm vì nhiều lý do.
Ảnh: Internet |
Cuộc sống hiện đại với guồng quay chóng mặt đã khiến nhiều bậc cha mẹ thiếu hẳn sự quan tâm dành cho con. Khi hôn nhân tan vỡ, người ta thường dễ dàng tìm tới hạnh phúc mới mà quên đi con cái mình cũng cần lắm một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Nhiều người vẫn giữ quan niệm “thương cho roi cho vọt” để có hành vi bạo lực trong dạy dỗ con trẻ, không cần quan tâm điều đó gây hậu quả thế nào đối với sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ.
Những sự việc bạo hành xảy ra trong một thời gian dài vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ngược đãi trẻ em. Luật Trẻ em 2016 đã quy định rõ rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Rõ ràng hành vi bạo hành trẻ em không là chuyện của riêng ai, riêng gia đình nào, mà cần sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Trước hết, ngay từ trong gia đình, xin hãy dừng lại những hành vi khiến trẻ bị tổn thương. Ở độ tuổi còn non nớt, ngây thơ, trẻ cần lắm tình yêu thương, bao bọc, chở che và cả sự bao dung của người lớn.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc