Multimedia Đọc Báo in

Tác nghiệp ở Trường Sa

08:07, 14/01/2022

Được đến Quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) để tác nghiệp là niềm hạnh phúc, mong ước lớn với tất cả những người làm báo.

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tôi cùng 42 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong toàn quốc được theo tàu HQ 561 của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân đi công tác tại các đảo, điểm đảo thuộc khu vực tuyến giữa của Quần đảo Trường Sa như: Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan và Phan Vinh. Trong suốt hải trình hơn 20 ngày đêm ấy, được đặt chân lên các đảo nổi, đảo chìm; được gặp gỡ, giao lưu với các lính đảo can trường, dũng cảm và những người dân hiền hậu… là khoảng thời gian quý giá đối với tôi.

Mệt nhoài vì say sóng nhưng khi nghe thông báo chuẩn bị đến điểm đảo đầu tiên thì tất cả phóng viên đều bật dậy để chuẩn bị máy quay, máy ảnh, đồ đạc cá nhân rồi lên cabin của tàu hướng mắt về phía đảo và lắng tai nghe thông báo xem bản thân mình có tên trong danh sách được lên đảo hay không. Bởi vì đa phần là các đảo nhỏ, nhiều bãi đá cạn, bãi san hô, tàu lớn không vào được mà phải di chuyển bằng ca nô, xuồng nên phải có sự phân chia phóng viên, nhà báo được vào đảo một cách hợp lý. Vì vậy mà có người thì vừa mang áo phao, vừa háo hức vui mừng khi may mắn có tên trong danh sách; có người thì tiếc nuối, gương mặt đượm buồn khi không được chọn.

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại đảo Cô Lin.

Do lịch trình vào thăm các đảo chỉ vỏn vẹn vài giờ nên mọi người đều tranh thủ từng phút giây có mặt trên đảo. Việc đầu tiên chúng tôi làm khi đặt chân lên các đảo thường là chụp ảnh lưu niệm bên cạnh cột mốc chủ quyền cùng với người chiến sĩ đang bồng súng hiên ngang. Sau đó là quá trình “chạy đua” cùng thời gian, tranh thủ ghi hình, phỏng vấn, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và cuộc sống, quá trình công tác của các chiến sĩ trên các đảo. Mỗi phóng viên ra Trường Sa có cách tiếp cận và khai thác thông tin khác nhau nhưng ai cũng đều chung niềm háo hức, bồi hồi, xúc động trước những khó khăn, gian khổ và ý chí, nghị lực của quân và dân Trường Sa.

Việc di chuyển từ tàu xuống xuồng rồi lên đảo và từ đảo ra xuồng, lên tàu rất vất vả đối với cánh phóng viên. Để bảo đảm an toàn, mọi người phải tuân theo sự chỉ huy, hướng dẫn của các chiến sĩ hải quân. Những hôm sóng to, độ chênh giữa mạn tàu, ca nô và cầu tàu liên tục dao động với khoảng cách lớn khiến việc lên xuống xuồng và tàu rất nguy hiểm, chỉ cần bước chậm hoặc không dứt khoát đều sẽ bị ngã và có thể bị thương. Dẫu vậy, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ hải quân, mọi người đều đi lại, di chuyển an toàn trong suốt những ngày ở Trường Sa.

Đến với Quần đảo Trường Sa, tôi cảm nhận rất rõ những khó khăn, vất vả, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương với quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cùng với đó là cuộc sống của những người dân trên đảo, ngư dân vươn khơi bám biển, hay những công trình lưu dấu hồn cốt bao đời của cha ông khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo; những câu chuyện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ thắm tình quân - dân…

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại đảo Sinh Tồn.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên suốt hơn 2 năm qua, những người cầm bút như chúng tôi đang tạm phải “lỡ hẹn” với Trường Sa. Song, cứ đến khoảng thời gian cận Tết Nguyên đán thì những kỷ niệm với Trường Sa năm nào lại trào dâng trong lòng mình. Đó là hình ảnh lá Cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh ở cột mốc chủ quyền trên các đảo chìm, đảo nổi; phút thiêng liêng xúc động trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa; niềm hân hoan khi cùng đón chào năm mới với đồng nghiệp và các chiến sĩ trên tàu giữa biển đêm đầy sao; sự lưu luyến, không muốn rời xa khi phải chào tạm biệt các chiến sĩ trên các đảo, hay khoảnh khắc đàn cá heo nô đùa trước mũi tàu khi chúng tôi rời Trường Sa trở về đất liền. Những khoảnh khắc đó mỗi khi nhớ đến đều để lại nhiều cảm xúc dâng trào, khiến bản thân cảm thấy thêm yêu, thêm trân trọng nghề báo hơn. Và đặc biệt, tình yêu Tổ quốc trong tôi cũng trở nên lớn lao hơn, mãnh liệt hơn.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.