Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình trong hoạn nạn

15:18, 06/02/2022

Khi lượng người từ các tỉnh thành phía Nam trở về quê tránh dịch tăng đột biến, Đắk Lắk đối diện với nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch cao, trong khi các nguồn lực phòng, chống dịch còn rất thiếu thốn.

Trong thời điểm khó khăn đó, cùng với việc phát huy nội lực, huy động sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch, tỉnh đã nhận được sự trợ giúp, chi viện kịp thời, thiết thực từ nhiều nguồn.

Trung ương hỗ trợ kịp thời

Song song với việc xem xét, nhanh chóng phân bổ vắc xin hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho người dân theo đúng lộ trình cả nước đã đề ra, nhiều đoàn công tác của Trung ương trực tiếp đến Đắk Lắk kiểm tra, đôn đốc, giám sát, họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế thành lập, điều động Tổ công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19 gồm các chuyên gia đầu ngành chi viện cho Đắk Lắk. Sự có mặt kịp thời của tổ công tác hỗ trợ các hoạt động chuyên môn trong điều tra giám sát dịch, lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm, điều trị người bệnh COVID-19, xử lý môi trường y tế… đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch cho địa phương. Cùng với đó, Ban Dân vận Trung ương cũng nhanh chóng kết nối các bệnh viện, doanh nghiệp trao nhiều cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, kit xét nghiệm nhanh, máy khử trùng... tặng Đắk Lắk.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (thứ hai từ trái sang) vận động doanh nghiệp tặng thiết bị y tế hỗ trợ Đắk Lắk.

Với trách nhiệm và tình cảm của một người từng gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, trên cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã kêu gọi, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ Đắk Lắk nhiều đợt, gồm 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh trị giá hơn 9 tỷ đồng, 10 máy thở, 2 máy xét nghiệm PCR trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra Trung ương cũng phân bổ cho Đắk Lắk 1 tỷ đồng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê khẳng định: “Trong bối cảnh kinh phí eo hẹp, điều kiện cơ sở vật chất y tế còn hạn chế thì sự hỗ trợ từ Trung ương là hết sức ý nghĩa, kịp thời, từ đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đối với Đảng, Nhà nước”.

Các địa phương, doanh nghiệp cùng chia sẻ

Cùng chung sức, hợp lực với Trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong hỗ trợ Đắk Lắk phòng, chống dịch. Từng là địa phương tâm điểm của COVID-19, gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch, nhân dân, chiến sĩ, cán bộ của thành phố mang tên Bác cảm nhận sâu sắc tình cảm của cả nước dành cho mình trong lúc khó khăn, chính vì vậy khi Đắk Lắk vừa bùng phát dịch, nhiều đoàn công tác của TP. Hồ Chí Minh đã đến trao kinh phí, trang thiết bị y tế hỗ trợ địa phương.

Trong đó Ban Dân vận Thành ủy đã có hai chuyến công tác, trao tặng hệ thống bồn oxy lỏng, thuốc điều trị COVID-19, hàng chục nghìn khẩu trang, máy đo huyết áp và nhiều nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm…

Nghĩa tình, trách nhiệm của thành phố mang tên Bác còn được thể hiện ngay khi Đắk Lắk có ý kiến đề xuất hỗ trợ chống dịch đã lập tức điều động 2 xe cứu thương, 100 bình oxy tăng cường cho tỉnh, dù thời điểm đó thành phố cũng đang có nhu cầu rất lớn về phương tiện, thiết bị y tế.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng tặng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh 500 triệu đồng hỗ trợ cho những lao động vừa trở về mất việc làm, không có thu nhập, qua đó góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội. “Là hai địa phương có quan hệ mật thiết, gắn bó nên TP. Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ Đắk Lắk bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm của mình trong khả năng có thể” - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp khẳng định.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc (bìa trái) đã kêu gọi các bệnh viện, doanh nghiệp hỗ trợ Đắk Lắk chống dịch.

Cũng từng gặp nhiều khó khăn trong đại dịch, tỉnh Bình Dương đã cử đoàn công tác đến Đắk Lắk chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ Đắk Lắk 3 tỷ đồng, 2.000 giường xếp và nhiều trang thiết bị y tế khác. Tỉnh Khánh Hòa dù đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng đã đến Đắk Lắk chia sẻ những kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 và trao tặng những món quà nghĩa tình, động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Với trách nhiệm của một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn, Công ty Cổ phần ô tô THACO Trường Hải đã hỗ trợ tỉnh 6 xe tiêm chủng vắc xin lưu động, mỗi chiếc trị giá hơn 850 triệu đồng. Loại xe này đáp ứng các yêu cầu tiêm chủng an toàn, có khả năng đi lại tại các địa bàn giao thông khó khăn, giúp Đắk Lắk phủ sóng tiêm chủng phòng COVID-19 đạt tiến độ. Công ty cũng đã tặng Đắk Lắk 50.000 bộ kit test nhanh vào thời điểm người lao động từ các tỉnh thành phía Nam trở về nhiều, tỉnh thiếu trầm trọng thiết bị xét nghiệm cho người dân. Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk nhiều thiết bị y tế chuyên dụng và hàng chục chuyến xe đưa công dân Đắk Lắk đang sinh sống, làm việc, học tập từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có dịch trở về địa phương...

Sự hỗ trợ, giúp đỡ quý báu, ý nghĩa của các tỉnh bạn, các doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 không chỉ kịp thời “tiếp sức”, thêm nguồn lực giúp Đắk Lắk vượt qua thời điểm khó khăn, mà qua đó còn là minh chứng sinh động cho truyền thống đoàn kết từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là nguồn cội sức mạnh để Việt Nam nhiều lần vượt qua mọi gian nan, thử thách, vững vàng trên hành trình xây dựng nước nhà giàu mạnh.

Theo thống kê, trong đợt dịch vừa qua, Đắk Lắk tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế, gồm 1 máy phân tích HbA1C và 1 máy tách chiếc DNA/RNA; 10 máy thở, hàng trăm nghìn bộ kit test nhanh, đồ bảo hộ y tế, găng tay, mặt nạ chống giọt bắn… do Trung ương, các tỉnh bạn và doanh nghiệp hỗ trợ phòng chống dịch.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.