Multimedia Đọc Báo in

Thắm tình quân dân

06:23, 23/03/2022

Những năm qua, Công ty Xây dựng 470 (Binh đoàn 12) đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở thông qua các công trình “Đoàn kết Quân – Dân” tại xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin), để lại ấn tượng tốt đẹp về người lính bộ đội Cụ Hồ đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Trung tuần tháng ba, Công ty Xây dựng 470 (Binh đoàn 12) bàn giao công trình “Đoàn kết Quân – Dân” tại thôn 4, xã Cư Êwi. Có mặt tại lễ bàn giao từ sớm, ông Lâm Đức Trọng, Bí thư Chi bộ thôn 4 cho hay, toàn thôn có đến 99% là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Xa quê lâu năm, người dân trong thôn ai cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương.

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, đồng bào các dân tộc phía Bắc trên địa bàn huyện Cư Kuin lại có dịp tụ hội tại Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc do xã Cư Êwi tổ chức để hòa cùng những câu hát, điệu múa, không gian ẩm thực mang đậm chất quê hương nơi mình từng sinh sống.

Những năm trước, sân vận động nơi thường tổ chức lễ hội chỉ là khoảng đất trống, chưa có sân khấu diễn văn nghệ, các gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian tại lễ hội chỉ dựng tạm trên nền đất, bất tiện cho du khách đến tham dự. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Công ty Xây dựng 470, bà con có sân chơi văn hóa, văn nghệ sạch đẹp, ai cũng vui mừng.

Cán bộ, nhân dân xã Cư Êwi cùng cán bộ, chiến sĩ Công ty Xây dựng 470.

Đây không phải là công trình đầu tiên Công ty Xây dựng 470 thực hiện trên địa bàn xã. Trước đó, khi biết phòng học cũ của phân hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Huệ tại buôn Tăk M’Nga đã xuống cấp, hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại phần tường bị sạt lở, đơn vị đã hỗ trợ nâng cấp sửa chữa lại phòng học, diện tích trên 40 m2 với kinh phí hơn 70 triệu đồng, giúp thầy và trò nhà trường yên tâm dạy và học.

Thượng tá Ngô Thúc Huỳnh, Bí thư Đảng ủy Công ty Xây dựng 470 cho biết, năm 2021 đơn vị được Ban Chỉ đạo điều hành chương trình phối hợp công tác dân vận của Ban Dân vận Tỉnh ủy giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình “Đoàn kết Quân - Dân” tại xã Cư Êwi.

Mặc dù được giao thực hiện nhiệm vụ trong thời điểm dịch bệnh COVID -19 bùng phát, diễn biến phức tạp, song đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tiến hành khảo sát thực địa, xác định địa điểm, thống nhất quy mô… và triển khai xây dựng công trình sân khấu văn nghệ ngoài trời hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Theo chương trình ký kết làm công tác dân vận giữa các đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 – 2025, Công ty Xây dựng 470 tiếp tục được Ban Dân vận Tỉnh ủy giao làm công tác dân vận tại xã Cư Êwi. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, đơn vị còn được Bộ Quốc phòng giao quản lý và huấn luyện 500 quân nhân dự bị động viên của 8 xã thuộc huyện Cư Kuin.

Lãnh đạo Công ty Xây dựng 470 trao Quyết định bàn giao công trình "Đoàn kết Quân - Dân" tại thôn 4, xã Cư Êwi. 

Theo ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi, xã được thành lập từ năm 1993 với 10 thôn, buôn; trong đó có 4 thôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang định cư. Qua nhiều năm gắn bó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đưa chất lượng cuộc sống người dân ngày càng đi lên.

Năm 2021, được sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, xã đã được bố trí kinh phí xây dựng sân bê tông tại thôn 4 để phục vụ việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và lễ hội. Cùng với công trình sân khấu ngoài trời do Công ty Xây dựng 470 hỗ trợ, các công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về tăng cường công tác hỗ trợ cơ sở vật chất gắn với vận động nhân dân gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.