Multimedia Đọc Báo in

Duy trì bền vững và phát huy hiệu quả Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

06:29, 25/04/2022

Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vay vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình) được triển khai tại tỉnh Đắk Lắk từ năm 2016, góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM NGỌC BÌNH, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh xung quanh việc triển khai thực hiện Chương trình này.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình.

Đắk Lắk là một trong 21 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ được hưởng lợi từ Chương trình. Ông có thể cho biết những kết quả tỉnh đã đạt được đến thời điểm này?

Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn kết thúc vào năm 2015, bắt đầu từ năm 2016, Đắk Lắk là một trong 21 tỉnh được tham gia Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới. Tính đến hết năm 2021, tỉnh đã hoàn thành 7/7 chỉ số giải ngân, đạt 100% mục tiêu cả giai đoạn (đến cuối năm 2020, tỉnh đã hoàn thành 33/30 xã đạt vệ sinh toàn xã, vượt 10% kế hoạch). Số đấu nối đạt được 14.000/14.000 hộ, đạt 100% kế hoạch giai đoạn; thực hiện hoàn thành 15/15 xã duy trì tình trạng vệ sinh toàn xã cách đây 2 năm; số hộ có hệ thống cấp nước bền vững sau hai năm sử dụng từ công trình cấp nước tập trung là 7.253/5.765 đấu nối, đạt 125% kế hoạch toàn giai đoạn 2016 - 2022. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành các chỉ số giải ngân thuộc các hoạt động liên quan đến năng lực mềm như: lập kế hoạch, báo cáo, thực hiện truyền thông tăng cường năng lực, truyền thông thay đổi hành vi.

Chương trình được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng đã điều chỉnh kéo dài đến năm 2023. Vậy những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình tại Đắk Lắk là gì, thưa ông?

Chương trình này được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới, sử dụng phương thức cho vay; giải ngân dựa trên kết quả. Đây là Chương trình cho vay thứ hai trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn ở Việt Nam. Chương trình có cách thức triển khai mới, kiểm đếm kết quả và lấy kết quả đạt được làm cơ sở để giải ngân. Vì vậy, trong 2 năm đầu thực hiện, các đơn vị còn lúng túng trong việc chuẩn bị, thu thập tài liệu, hồ sơ minh chứng.

Thêm vào đó, từ năm 2020, cả nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các nhà thầu thực hiện chủ yếu ở ngoại tỉnh nên việc phối hợp thực hiện và huy động nhân lực gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động tăng cường năng lực, truyền thông thay đổi hành vi như hội nghị, tập huấn… phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, các gói thầu thi công diễn ra trong thời điểm biến động lớn về giá vật liệu làm ảnh hưởng một phần đến tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân của Chương trình.

Để duy trì tính bền vững và nâng cao hiệu quả Chương trình, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Chương trình sẽ kết thúc vào tháng 12/2022, chính thức đóng sổ khoản vay vào tháng 7/2023. Để tiếp tục duy trì tính bền vững và nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong thời gian tới, đối với các công trình cấp nước được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình, sau đầu tư đều do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, vận hành, duy trì hoạt động hiệu quả. Riêng đối với các công trình cấp nước tập trung không thuộc nguồn vốn của Chương trình cần tập trung chú trọng giao cho đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư, tốt nhất nên giao chủ đầu tư xây dựng công trình đồng thời là đơn vị quản lý, vận hành để bảo đảm tính bền vững của công trình.

Tổ chức các lớp nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt nâng cao năng lực cho đội ngũ công nhân trực tiếp quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Ngoài ra, cần phát huy nội lực của người dân nông thôn, dựa vào nhu cầu của người dân cùng chung tay bảo vệ và quản lý, vận hành. Từng bước hình thành thị trường nước sạch và dịch vụ vệ sinh, môi trường nông thôn, chuyển mạnh từ phương thức phục vụ sang dịch vụ theo chủ trương xã hội hóa.

Thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho tất cả các đối tượng về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư; thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.