Multimedia Đọc Báo in

Thắm tình con cháu Lạc Hồng

10:35, 26/04/2022

Cùng chung dòng máu Lạc Hồng, mỗi người con đất Việt ở nơi đâu vẫn luôn dành cho nhau sự quan tâm sẻ chia thiết thực. Càng trong gian nan, thử thách, ân tình ấy càng trở nên sâu đậm.

Tổ quốc dang rộng vòng tay

Sự quan tâm ấy không chỉ bằng lời nói mà được thể hiện bằng các văn bản pháp lý thống nhất, xuyên suốt. Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã cho thấy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn.

Chiến tranh nổ ra tại Ukraine, nhiều bà con người Việt đã phải di tản sang các nước khác lánh nạn và được Đại sứ quán cũng như cộng đồng người Việt Nam đón tiếp chu đáo, bố trí nơi ăn, chốn ở, động viên tinh thần. Thực hiện chủ trương bảo hộ công dân, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng, các hãng hàng không tổ chức những chuyến bay nhân đạo miễn phí đưa công dân Việt Nam về nước. Chính nghĩa đồng bào, tình cảm sẻ chia, tương thân tương ái đã giúp những người con xa quê được trở về với quê nhà thân yêu. Những cái ôm, bắt tay thật chặt, những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào đã rơi khi người dân được tạo mọi điền kiện thoát khỏi vùng chiến sự, bỏ lại mọi thứ sau lưng để trở về đoàn tụ cùng người thân. Bởi trên tất cả, mạng sống của con người là quý giá nhất.

Các công dân huyện Ea Kar thời điểm từ vùng dịch trở về được các đơn vị, lực lượng chức năng của huyện đón và đưa về khu cách ly tập trung.

Không chỉ trong chiến tranh, bom rơi đạn lạc mà bất kể hoàn cảnh nào nếu công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, nguyện vọng trở về, Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay chờ đón. Còn nhớ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới phải thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành đã thực hiện những chuyến bay trọn nghĩa đồng bào, đã có hàng chục nghìn người con đất Việt ở khắp năm châu được đưa trở về quê hương an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm, xung kích, tình nguyện của những người làm nhiệm vụ đưa đón công dân về nước đã lan tỏa hình ảnh đẹp của con người Việt Nam đôn hậu, nghĩa tình.

Quê hương luôn là “chùm khế ngọt”

2021 – một năm với biết bao khó khăn, thử thách bởi dịch bệnh COVID-19, số ca mắc tăng chóng mặt, số người tử vong nhiều, các hoạt động kinh tế bị ngừng trệ, đời sống của nhân dân khó khăn. Hàng trăm nghìn lao động ở các tỉnh thành thuộc “vùng đỏ” tìm cách trở về địa phương. Trong bối cảnh chung đó, Đắk Lắk cũng đã huy động mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để vận chuyển, tiếp nhận, cách ly, xét nghiệm với khả năng cao nhất và điều hành kịp thời, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Cư Pui (huyện Krông Bông) thực hiện “Bếp ăn 0 đồng” hỗ trợ người dân cách ly tập trung khi từ vùng dịch trở về.

Bên cạnh sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã có rất nhiều đơn vị vận tải hành khách, tình nguyện viên tham gia vào hoạt động nhân văn này. Ngoài các nhóm đối tượng ưu tiên, còn có rất nhiều người dân, lao động từ các tỉnh, thành tâm dịch phía Nam trở về. Dịch bệnh phức tạp, nhân lực mỏng, điều kiện khó khăn nhưng không vì thế mà công tác tổ chức đón, tiếp nhận công dân thiếu chu đáo, an toàn.

Rất nhiều công việc không tên, nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nhiều đêm thức trắng, nhiều bữa ăn vội vàng, nhiều giọt mồ hôi đã lăn dài nhưng không một lời than vãn, không một sự so tính thiệt hơn. Người góp của, người góp công. Những người thuộc diện khó khăn cũng sẵn sàng trao tặng “cây nhà lá vườn” cho những “Bếp ăn 0 đồng” để mỗi người dân trở về không bị đói lòng. Tất cả những nghĩa cử ấy thật cao đẹp, đáng quý biết bao. Để rồi khi trải qua thời điểm nguy khó nhất, càng thêm trân trọng hai tiếng “Quê hương”.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.